Tuyến đi bộ nối với chợ đêm dường như nối dài thêm chợ Hà Nội.
Nhộn nhạo bán buôn
Tất cả những cảnh tượng đẹp như thơ ấy vụt qua rất nhanh khi tiếng la hét chửi rủa vang lên trên con đường phía bên cạnh. Bắt đầu bằng hình ảnh một người phụ nữ xông đến kéo áo, giật tóc một người phụ nữ khác, lát sau một người đàn ông cũng cầm ghế nhựa lao đến đập liên hồi vào đầu một trong hai người phụ nữ nọ. Bạn tôi đang chong mắt nhìn lạ lẫm thì một người đi qua buông lời: Có gì mà xem, tranh nhau nơi giữ xe thôi mà, không đi ăn đòn oan đấy. Tôi và người bạn phương xa nhanh chóng lủi khỏi dòng người đã dồn ứ lại tiến về phía tuyến phố đi bộ, tâm trạng đầy hoang mang.
“Hello em, mua hoa quả đi em” – tiếng mời chào của một người bán hàng ngay con ngõ nhỏ dẫn vào phố đi bộ làm cậu bạn tội giật mình. Phố đi bộ hiện ra, huyên náo, ồn ả với những sạp hàng bán buôn la liệt. Đèn điện sáng trưng, các mặt hàng từ thượng vàng hạ cám và tù mù cả nguồn gốc được trưng ra ngập ngụa màu sắc với giá cả rất mềm cho những túi tiền bình dân. Dọc con phố dài dằng dặc ấy đều là hàng quán, quán kéo dài từ đầu phố đến cuối phố. Những ngôi nhà mặt tiền hai bên cũng được trưng dụng vào mục đích bán buôn đủ mọi mặt hàng. Cảm giác, phố đi bộ là một cái hội chợ lớn, khi người dạo phố bị nhốt giữa quán xá và hàng hóa.
Nói là phố đi bộ, nhưng thỉnh thoảng người tham quan cũng được mấy phen thon thót giật mình khi những chiếc xe máy chở hàng lao vào giữa dòng người, hồn nhiên bấm còi rú ga.
Rất khó tìm thấy những đặc trưng của Thủ đô giữa những hàng quán này.
Đi chệch mục đích
Còn nhớ, vào năm Năm 2004 khi UBND quận Hoàn Kiếm chọn tuyến phố Hàng Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân dài gần 1km thí điểm làm tuyến phố đi bộ vào tối những ngày cuối tuần kết hợp với chợ đêm Đồng Xuân, nhiều thông điệp đã được đưa gửi gắm rất nhiều kỳ vọng như: tuyên truyền, quảng bá văn hóa, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội. Đến tháng 5/2012, Hà Nội tiếp tục khai trương 3 phố đi bộ ở khu vực Ba Đình là Chùa Một Cột, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm cũng chung một mục đích.
Thực tế, trên thế giới mô hình phố đi bộ đã giúp cho nhiều thành phố lớn tạo ra được những điểm nhấn riêng của mình. Người ra nhắc đến Thủ đô của Bỉ với phố phố Rue de l’Etuve, phố nhỏ nhưng nhờ được bày trí ngăn nắp, nên dù có nhộn nhịp người qua vẫn thấy một không gian thưởng lãm ẩm thực đầy dư vị, hay phố đi bộ Huchette, Paris (Pháp) cũng mang đặc trưng nền văn hóa đất nước này. Rất gần Việt Nam là Thái Lan cũng ghi điểm cho thành phố của mình bằng phố đi bộ đêm nổi tiếng Khao San (phía tây bắc Băng Cốc) chuyên phục vụ những món ăn Thái Lan truyền thống…
Tuyến phố đi bộ dường như chưa đạt được mục đích ban đầu.
Trở lại Việt Nam, nếu nhìn vào những con phố đi bộ dằng dặc người đi ấy khó ai có thể tìm ra được một đặc trưng văn hóa nào của Hà Nội, sản phẩm bày bán cũng hổ lốn về nguồn gốc xuất xứ và nếu chịu khó tìm lắm mới có một vài cửa hàng bán một số đồ dùng thủ công được chế tạo từ bàn tay của người dân nước ta.
Thế nên, cảm giác khi bước chân vào phố đi bộ với tôi và người bạn đến từ Phương Nam chính là hình ảnh một khu chợ đông đúc rất dài của Hà Nội mà thôi.
Theo TTVH