Phô diễn quyền lực ở châu Á, Nga muốn gửi thông điệp tới "sườn NATO phía Đông" của Mỹ?

Phô diễn quyền lực ở châu Á, Nga muốn gửi thông điệp tới "sườn NATO phía Đông" của Mỹ?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 01/08/2019 10:00

Các nhà phân tích Nga đã ví mạng lưới các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á không khác gì “NATO ở sườn phía Đông của Nga”. Điều này dẫn đến việc Moscow muốn tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự tại đây.

Tiêu điểm - Phô diễn quyền lực ở châu Á, Nga muốn gửi thông điệp tới 'sườn NATO phía Đông' của Mỹ?

Nga không chấp nhận vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc.

Nga phô diễn sức mạnh?

Vào ngày 23/7, một máy bay do thám A-50 của không quân Nga đã bay vào không phận gần nhóm đảo Liancourt Rocks, nơi đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc (Hàn gọi là Dokdo và Nhật gọi là Takeshima).

Không quân Hàn Quốc đã bắn hàng trăm phát đạn cảnh cáo đối với máy bay Nga. Về phần mình, Moscow tuyên bố máy bay nước này không đi chệch khỏi hành trình bay ban đầu, tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc sử dụng không phận trên vùng biển trung lập.

Phía Nga cũng tuyên bố, đây không phải là lần đầu tiên các phi công Hàn Quốc cố gắng ngăn máy bay Nga bay qua "vùng biển trung lập", đề cập đến khu vực nhận dạng phòng không do Hàn Quốc đặt ra .

“Các khu vực như vậy không được Nga công nhận, điều này đã được báo cáo nhiều lần cho phía Hàn Quốc thông qua các kênh khác nhau”, tuyên bố từ bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Các máy bay của Nga tiến vào Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc xảy ra khá thường xuyên, thường là gần đảo phía Nam của đảo Jeju. Không quân Hàn Quốc thường phản ứng bằng cách triển khai chiến đấu cơ hộ tống máy bay Nga và đưa ra những khiếu nại ngoại giao chính thức với Moscow.

Theo giới quan sát nhận định, vụ việc vừa qua đã nhấn mạnh một số điểm chính trong chính sách của Điện Kremlin đối với bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á.

Điều này xuất phát từ việc ngoài lý do tìm kiếm cơ hội kinh tế, Nga vẫn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh của chính mình trong một khu vực địa chính trị cân não, chuyên gia Anthony Rinna viết trên East Asia Forum.

“Nga phải lựa chọn giữa việc trở thành một cường quốc quân sự hoặc một đối tác kinh tế trong chính sách Đông Bắc Á của mình. Moscow dường như đã chọn nhiều hơn sang cách thứ hai, cố gắng tận dụng ảnh hưởng thông qua các phương tiện như Diễn đàn kinh tế phương Đông”, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga nhấn mạnh.

Là một phần trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng kinh tế, Nga cũng tìm cách duy trì mối quan hệ làm việc sâu sắc với Seoul. Đối với Moscow – vốn đã tìm được tiếng nói hợp tác với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - sự hợp tác kinh tế với Hàn Quốc có ý nghĩa thương mại và an ninh mạnh mẽ.

Duy trì mối quan hệ với Seoul cũng rất quan trọng đối với sự thành công của chính sách "cân bằng" ngoại giao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc - nền tảng của chiến lược Đông Bắc Á ở quy mô lớn hơn của Nga.

NATO ở sườn phía Đông

Tiêu điểm - Phô diễn quyền lực ở châu Á, Nga muốn gửi thông điệp tới 'sườn NATO phía Đông' của Mỹ? (Hình 2).

Nga có thể đang muốn phô diễn sức mạnh quân sự ở châu Á.

Sự sứt mẻ ngoại giao xoay quanh tranh cãi máy bay Nga bay vào không phận Hàn Quốc không có khả năng gây ra một trở ngại lớn trong quan hệ Moscow-Seoul, chuyên gia Anthony Rinna nhấn mạnh.

Trên thực tế, cả hai đã vượt qua các vấn đề còn nghiêm trọng hơn nhiều, như tranh cãi về hệ thống phòng thủ THAAD vài năm trước. Về cơ bản, quan hệ của Nga-Hàn Quốc không bị tác động bởi lịch sử đối đầu hay các biến cố địa chính trị hiện nay.

Tuy nhiên, có hai cách giải thích về nguyên nhân dẫn đến tranh cãi ngoại giao giữa Moscow và Seoul.

Igor Romanenko – người là cựu thành viên của Bộ Tổng tham mưu Nga suy đoán rằng, vụ việc có thể là một bước đi phô diễn sức mạnh có chủ ý của Nga.

Vụ Nga đưa máy bay tiến vào vùng nhận dạng phòng không mà Hàn Quốc tuyên bố xảy ra trong một cuộc diễn tập chung với Trung Quốc. Cần lưu ý rằng, Trung Quốc ngày càng có mối quan hệ quốc phòng mật thiết với Nga và ủng hộ hành động của Nga nói trên.

“Sự hợp tác quốc phòng của Trung Quốc với Nga và sự ủng hộ của Bắc Kinh trong vụ việc có thể cho thấy rằng, Nga cảm thấy được khuyến khích hơn khi tham gia vào các cuộc phô diễn quyền lực quân sự ở Đông Bắc Á – điều mà công chúng thường thấy Nga làm ở châu Âu”, chuyên gia Rinna nêu quan điểm.

Các nhà phân tích Nga đã ví mạng lưới các đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á không khác gì “NATO ở sườn phía Đông của Nga”.

Lợi ích an ninh của Điện Kremlin trên bán đảo Triều Tiên vượt ra ngoài khuôn khổ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Vấn đề an ninh chính của Nga không chỉ bao gồm bán đảo Triều Tiên mà là ngăn chặn xung đột mở rộng ở Đông Bắc Á.

Chuyên gia Rinna cho rằng, vụ tranh cãi vừa qua có thể sẽ khuyến khích Moscow tăng cường liên lạc chiến lược với Hàn Quốc do vai trò quan trọng của Hàn Quốc trong chiến lược Đông Bắc Á của Nga.

Tuy nhiên, nếu vụ việc vừa qua là một hành động khiêu khích có chủ ý trong lãnh thổ tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào thời điểm quan hệ Seoul-Tokyo đang đi xuống, thì vụ việc có thể cho thấy Moscow đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ hơn ở Đông Bắc Á.

Về lâu dài, Điện Kremlin khó có thể làm mọi thứ nghiêm trọng đến mức gây thiệt hại cho vị thế kinh tế của chính mình. Tuy nhiên, bằng cách hợp tác với Trung Quốc về mặt quân sự ở một tiểu vùng châu Á đầy căng thẳng, Nga rõ ràng đang thể hiện sự sẵn sàng tham gia về mặt quân sự ở Đông Bắc Á.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.