Dường như sự thay đổi đột ngột của thời tiết cũng khiến con người ta trở nên mong manh, hoài niệm về quá khứ. Những ngày Hà Nội mưa nhiều, nhìn qua ô cửa sổ lấp loáng đèn điện, tôi nhớ về thời ấu thơ với đủ thức quà vặt.
Ngày ấy, nằm trong nhà cũng biết được gánh hàng rong nào vừa đi qua. Anh bán kem có chiếc kèn đặc biệt, chị bán cốm có giọng nói ngọt ngào, ông bán nộm đu đủ chẳng cần rao nhờ tiếng kéo “xoạch xoạch”... Rồi những tiếng rao then thuộc ấy dần biến mất hoặc lẩn khuất sau tiếng còi xe, tiếng nhạc EDM phát ra từ các cửa hàng bán điện thoại và sau chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Đầu tháng 10 này, Sài Gòn đã có thêm một “phố hàng rong” tại công viên Bách Tùng Diệp (giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng).
Sau rất nhiều hồ nghi về cách tổ chức, chất lượng vệ sinh và thậm chí về tên gọi, phố hàng rong khai trương đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Chiêm đã cho thấy hiệu quả bước đầu, vừa giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý, kiểm tra, vừa tạo nguồn thu ổn định cho các tiểu thương có hoàn cảnh khó khăn. Đọc báo, tôi thấy có người bán chia sẻ thu nhập mỗi ngày 200.000 đồng - một con số khá cao so với mặt bằng chung.
Yêu mến, tiếc nuối những tiếng rao là thế nhưng trong thâm tâm, tôi hi vọng Hà Nội cũng sớm có “phố hàng rong”, dù “hàng rong” ở đây không mang đúng nghĩa và vẹn nguyên hình hài.
Bởi tiếc nuối của tôi, của chúng ta không thể làm thành phố trở nên gọn gàng, văn minh hơn cũng như giúp những tiểu thương thoát khỏi cảnh bị đẩy đuổi khi họ lấn chiếm vỉa hè.
Những thứ không còn phù hợp sớm muộn cũng sẽ biến mất theo thời gian, chắc chắn là như vậy.
Ngân Hà