Theo thanh tra Bộ GTVT, qua khảo sát vỉa hè, lòng đường tại Hà Nội mới đây, đơn vị này đã phát hiện thây rất nhiều vi phạm, trong đó đáng chú ý là việc quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép cho các điểm trông giữ phương tiện. Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ, Sở GTVT Hà Nội đã lập tức phản pháo, cho rằng những gì Sở làm là đúng với thông tư hướng dẫn của Bộ cũng như quy định của thành phố. Trong lúc tranh luận đúng sai giữa hai bên còn chưa ngã ngũ thì dư luận cho rằng, trên thực tế, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chặt chém khách, ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây vẫn liên tục xảy ra. Dù việc công bố kết quả thanh tra bị hoãn lại đến ngày 31/7, nhưng người dân vẫn mong muốn có sự xử lý nghiêm túc, khách quan của các cơ quan chức năng đối với các đơn vị sai phạm.
Điểm trông giữ xe tràn xuống lòng đường ở phố Hàng Gà – Hà Nội
Các điểm trông xe mặc sức chặt chém
Cuối năm 2011, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng sai phạm trong việc quy hoạch sử dụng lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội. Trong đó, Người đưa tin đã đăng loạt bài “Thế giới ngầm sau hành trình băm nát vỉa hè”. Sau đó Hà Nội đã có nhiều biện pháp mạnh để cải thiện tình hình, đảm bảo trật tự tại các tuyến phố bằng việc cấm trông xe trên rất nhiều tuyến phố nội đô. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, siết chặt trong việc cấp phép trông giữ phương tiện, những bất cập lại tiếp tục nổi lên. Trên một số tuyến phố, các điểm trông xe chui, thậm chí là cấp phép sai quy định như kết quả thanh tra của Bộ GTVT vẫn ngấm ngầm diễn ra.
Mỗi dịp cuối tuần, hay dịp nghỉ lễ, người dân ngoại thành và các tỉnh lân cận lại đổ về Hà Nội để thăm quan, vui chơi. Những dịp này, hầu hết các công viên, vườn thú, các điểm vui chơi ở Hà Nội đều chật kín. Đây là dịp mà các điểm trông xe tự phát mọc lên như nấm sau mưa và cũng thỏa sức chặt chém du khách.
Chị Nguyễn Thị Minh (Bình Lục– Hà Nam) đưa con đi thi đại học đợt vừa rồi ngán ngẩm nói: “Trước hôm thi, con cứ đòi đi Văn Miếu để cầu may. Hai mẹ con chạy xe từ phòng trọ lên Văn Miếu. Vừa mới đến đầu đường Quốc Tử Giám đã có rất nhiều người chạy ra chèo kéo gửi xe. Tôi dắt xe vào gửi tại một điểm trông xe vỉa hè ngay gần ngã ba Quốc Tử Giám – Văn Miếu. Lúc ra ghi vé thì chủ bãi xe thản nhiên thu 20 nghìn đồng. Bực mình vì giá vé một lần gửi xe bằng cả chục mớ rau muống ở quê, tôi định dắt xe ra thì chủ trông xe cho biết: Ở đây, giá chỗ nào chả thế chị ơi”.
Có lẽ với một người mới ở quê lên như chị Minh thì việc choáng với giá trông xe ở nội thành cũng là điều dễ hiểu. Ở quê có khi làm quần quật cả ngày mới kiếm được 20 nghìn đồng nhưng cũng chỉ bằng một lần gửi xe máy ở Hà Nội. Nhưng những người sống ở Hà Nội thì có lẽ đã quá quen với những chiêu bắt chẹt tại các điểm trông giữ xe. Không chỉ những điểm trông giữ tự phát như chị Minh gặp phải, mà ngay những điểm trông xe được cấp phép hẳn hoi, cũng mặc sức chặt chém khi có thể.
Chị Đinh Thị Giang (Mễ Trì – Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc kể với PV: Vừa rồi có đứa cháu từ quê ra chơi, tôi quyết định đưa cháu đến khu quảng trường Ba Đình tham quan. Vì chỗ gửi xe theo quy định của Ban Quản lý khu di tích ở phố Chùa Một Cột hết chỗ, tôi đành đưa sang gửi ở phố Bà Huyện Thanh Quan, nơi cũng có ghi dòng chữ “Điểm trông xe vào Lăng”. Dắt xe vào gửi, tôi càng yên tâm khi thấy giá ghi trên vé là 3 000 đồng. Thế nhưng, khi lấy xe về, tôi mới ngớ người khi bị thu 10.000 đồng. Thấy tôi thắc mắc về giá, người trông giữ xe còn lớn tiếng tiếng mắng “có mấy ngàn bạc mà cũng kỳ kèo”. Cũng theo chị Giang, tuy mấy ngàn không phải là lớn, nhưng có hàng ngàn người vào gửi xe mỗi ngày, thử hỏi số tiền thu được đo có nhỏ hay không?.
Đường hẹp vẫn bị...cắt xén
Không chỉ để các điểm trông giữ xe mặc sức chặt chém người dân mỗi dịp ngày nghỉ, lễ, các cơ quan quản lý giao thông ở Hà Nội còn được cho là đã có sai phạm trong cấp phép các điểm trông giữ phương tiện…
Sáng 29/7, mặc dù là ngày chủ nhật nhưng theo quan sát của PV tại một số tuyến phố ở nội đô như Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Phụng Hiểu, Đinh Tiên Hoàng… vỉa hè, thậm chí cả lòng đường bị bịt kín bởi xe các điểm trông giữ xe. Trên phố Đinh Lễ, vốn đã lộn xộn bởi những cửa hàng bán sách tràn ra cả vỉa hè thì càng bề bộn hơn bởi điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Công ty này đã sử dụng triệt để diện tích lòng, lề đường để ô tô.
Theo quan sát của PV, các dãy xe máy chiếm kín vỉa hè, ô tô đỗ cả hai chiều chiếm hơn nửa diện tích lòng đường. Một người dân sống trên phố Đinh Lễ cho biết, hôm nay là ngày thường còn đỡ, chứ gặp phải ngày lễ thì cả đoạn đường này gần như bị bịt kín. Từ thứ 2 đến thứ 6, xe cộ ra vào tấp nập, cộng với vỉa hè, lòng đường đã được sử dụng trông giữ xe nên người tham gia giao thông gặp phải không ít khó khăn. “Tôi không hiểu vì sao một con phố nhỏ như thế vẫn cho phép trông giữ xe”, người dân này cho bức xúc.
Đặc biệt trên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, tuyến phố trung tâm nhất của Hà Nội vẫn được cấp phép trông giữ xe. Theo quan sát của chúng tôi, thì bãi giữ xe ở đây còn chiếm luôn phần lối sang đường dành cho du khách thăm Hồ Gươm.
Thế nhưng, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội vẫn một mực cho rằng, việc việc cấp phép trông xe trên lòng đường được thực hiện đúng thông tư 39 của Bộ GTVT. Và quá trình khảo sát hiện trạng của Sở cho thấy những tuyến phố này vẫn đảm bảo an toàn giao thông.
Theo một thanh tra của Bộ GTVT (xin giấu tên – PV) cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Đồng Xuân trông giữ ôtô dưới lòng đường trên các phố Ngõ Gạch khi lòng đường chỉ rộng 5,8m, phố Hàng Bút lòng đường rộng 5,8m, phố Gia Ngư lòng đường rộng 5,7m; cấp Giấy phép cấp cho Công ty Cổ phần Mặt trời mọc, Công ty Anh Du, Đệ Nhất, Công ty khai thác điểm đỗ được phép trông giữ, dừng, đỗ xe ôtô dưới lòng đường phố Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuệ Tĩnh khi lòng đường tối thiểu cũng không đủ 10,5 m.
Vị này còn cho biết thêm, theo thống kê vi phạm của thanh tra Bộ thì tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện diễn ra nhiều (4861 trường hợp) nhưng xử lý lại rất ít (657 vụ). Điều đó không đủ sức răn đe và chỉ giống như bắt cóc bỏ đĩa mà thôi.
“Tuýt còi” một loạt vi phạm Trước hàng loạt sai phạm, Bộ GTVT đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng sớm thu hồi các giấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố không phục vụ mục địch giao thông đã cấp không đúng quy định; khắc phục ngay các tồn tại trong công tác này đồng thời báo cáo Bộ GTVT và UBND Hà Nội kết quả thực hiện trước ngày 15/8/2012. Bộ cũng yêu cầu UBND Hà Nội sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23 ngày 9/1/2009, Quyết định số 07 ngày 25/1/2010 để áp dụng thống nhất mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè với các công ty trên địa bàn thành phố nhằm phù hợp với chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ trong đó có dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô (bỏ hình thức thu lệ phí sử dụng lòng đường 2% trên doanh thu). |
Hà Khê