Đồ thật, đồ giả lẫn lộn
Dẫn theo một người bạn người Hàn Quốc ra phố ông đồ ở Văn Miếu, Hà Nội chơi, tôi cũng muốn giới thiệu với bạn một chút về văn hoá chơi chữ của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung. Từ trước tết, phố đã khá đông nhưng sau tết, từ mùng 4, mùng 5 trở lại thì lượng người đổ về còn tăng lên nhiều. Các "lều chữ" nép sát vào bờ tường Văn Miếu, to có, nhỏ có, được bày đặt quy củ, bắt mắt cũng có mà đơn giản, sơ sài cũng có. Vốn là người cũng biết chút ít về chữ nghĩa, bạn tôi khá ngạc nhiên vì ở đây khá phong phú về đối tượng tham gia viết chữ.
Thông thường, ở nước bạn, những người có thể tặng chữ ở những nơi như vậy phải là những người đã được công nhận, có thời gian khổ luyện và đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu về am hiểu chữ nghĩa và kĩ thuật viết. Chúng tôi thú vị khi thấy nhiều bạn trẻ mới chỉ khoảng mười tám, đôi mươi cũng đã lập một chiếu riêng ngồi viết, thường là các "anh đồ", bên cạnh có những người bạn làm hầu mực, chữ của họ thường có sự sáng tạo, bay bổng nhiều. Một chữ "thọ" được viết bằng tiếng Việt, bản thân chữ "t" được viết bằng một thân cây tùng xum xuê khiến người xem cảm thấy lạ và vui. Bên dưới chữ "thọ" là lời chúc, câu đối nhỏ, triện, chữ ký đầy đủ.
Hoàng Nam, người viết bức thư pháp này vốn là một sinh viên mỹ thuật mới ra trường, đã có 4 năm ra Văn Miếu viết chữ nói: "Bây giờ em vẫn phải học nhiều lắm chị ạ. Có cơ hội đi theo hầu chữ các thầy để học, phần còn lại thì phải luyện tập hằng ngày". Nói rồi, Nam chìa ra cho chúng tôi một quyển sách chữ Hán hướng dẫn các thế, dáng và phương pháp viết, vẽ chữ.
Từ đầu phố tới cuối phố phải kể đến dăm sáu chục gian hàng, toàn một màu đỏ rực của giấy và tranh. Mạn gần đường Nguyễn Thái Học tập trung nhiều người trẻ hơn, đa phần là sinh viên kiến trúc, mỹ thuật làm thêm. Trong khi giá một bức chữ của những người ngồi đầu phố chừng 150 nghìn-200 nghìn/ chữ thì giá chữ của những người này khá mềm hơn, khoảng từ 50 đến 100 nghìn tuỳ khách. Với những người khó tính và rành thường tỏ vẻ "chun mũi khó chịu" nhưng khách hàng có mặt lại đánh giá: "Quý ở cái tinh thần của các em, chúng tôi mua chữ thì ít mà mua niềm vui thì nhiều".
Nhiều cụ đồ thậm chí còn chưa thuộc hết mặt chữ phải dựa vào từ điển Hán - Việt để tra (ảnh minh hoạ)
Ngồi ở gian hàng của hai nhà thư pháp trẻ Tiểu Hạng Nguyễn Trung Hoàng Long, Bách Lĩnh Đặng Anh Việt chúng tôi có cơ hội trao đổi nhiều về tập tục cho xin chữ. Hai anh đều là một trong số những nhà thư pháp thuộc nhóm "nhị thập bát tú", tuổi đời còn khá trẻ nhưng chữ nghĩa thì không ai trong "làng" không biết tới. Một phần có lẽ do tính cách, hai anh thích ngồi trò chuyện với khách hơn là viết lấy nhiều. Có khi một chữ như chữ "huệ" thôi, các anh còn ngồi cắt nghĩa cho khách xem nên viết như thế nào, giản thể hay phồn thể, với nghĩa là "tuệ" ( trí tuệ) hay là "huệ" (hoa huệ).
Trong khi các gian khác đông nghịt, hai anh chỉ ngồi nhìn, trà nước với khách một cách vui vẻ. Nhiều "đồ" trong số các "cụ" ở vỉa hè Văn Miếu đã từng qua các lớp học do chính các anh trực tiếp hướng dẫn giảng dạy nên thấy đông khách, các anh cũng mừng lây.
Thấy có mấy gian đông hơn hẳn những gian khác, người bạn kéo tôi lại gần xem. Tới gian của một cụ đã cao tuổi, ước chừng 60- 70, nét mặt phúc hậu, râu tóc đạo mạo. Một người phụ nữ đang nhờ cụ cho một chữ để đứa con gái đầu lòng được khoẻ mạnh. Cụ đồ mới lôi một quyển sách cũ ra, lật từng trang một, không có chữ cần tìm, cụ bèn lôi từ dưới gầm chõng ra một… quyển từ điển Hán Việt dày cộp để tìm. Thấy chừng người phụ nữ trẻ có vẻ sốt ruột, cụ mới trấn an bằng cách hỏi thêm thông tin giờ sinh của em bé, tay vẫn lật từng trang một.
Trong thời gian đó, tôi chú ý quan sát những chữ treo trên tường, liếc sang thấy bạn tôi đã cười một cách khó hiểu. Khi nhìn xuống nét chữ cụ đồ đang viết, tôi mới vỡ lẽ ra: Sau khi viết xong một nét, cụ cứ tô đi tô lại cho tới khi nét chữ tròn trịa, mềm mại, những chỗ cần sắc gọn thì sắc gọn, những chỗ cần mập mạp, phúc hậu thì mập mạp, phúc hậu đúng như yêu cầu của khách. Việc này, đối với một người viết thư pháp chuẩn là việc tối kị, những người khi đã biết, nhìn qua là thấy rõ ngay.
Đến gian tiếp theo, cũng là một gian khá nhiều khách, khi nhìn kỹ phía dưới lớp giấy dó của người viết còn có một loại giấy in mờ như giấy than, khi có yêu cầu viết chữ gì, người viết chỉ cần lấy một tờ giấy đặt lên trên và đi bút theo đúng nét chữ ấy. Vừa lúc đó, có một người đàn ông trung niên tiến lại bức xúc: "Ông viết sai chữ rồi". Hỏi ra mới biết, hoá ra người đàn ông nhờ viết 4 chữ "ngũ phúc lâm môn", chữ "lâm" ở đây phải viết là "lâm- vào" thì ông đồ lại viết thành "lâm- rừng". Cụ đồ chỉ biết cười trừ, đề nghị viết một trang khác để bù vào. Có tiếng xì xào "Không rậm râu không phải là đồ", tôi muối mặt không dám nhìn sang người bạn nước ngoài của mình, chỉ mong nhanh chóng rời khỏi phố Văn Miếu cho nhanh.
Cần có một cơ chế quản lý hữu hiệu
Theo nhận xét của thư pháp gia Kiều Quốc Khánh, hiệu Nguyệt Trà thì tình trạng "đồ thật, đồ giả" lẫn lộn trong mấy năm vừa qua không còn là hiếm. Viết sai, viết lỗi, thậm chí cả những người không biết cầm bút cho đúng cách cũng khá nhiều. Người xem thì đa phần không hiểu nhiều, chỉ là mến chữ, thích chữ thì đến xin một cách thành tâm, thầy cho chữ gì biết chữ ấy. Có người cẩn thận, thấy thầy có vẻ lơ ngơ, xin chữ giữa phố đến đầu phố hỏi lại mới biết thầy viết sai. Những người khổ công, hoạt động chân chính như anh em nhiều khi cũng lấy làm bức xúc nhưng hiện không có một cơ chế quản lý nào phù hợp hơn.
Một thư pháp gia trẻ tuổi khác xin phép được giấu tên cho biết: "Chúng tôi khổ luyện hàng chục năm nhưng bởi vì trẻ nên người xem không lấy làm tin tưởng. Người mình vẫn còn quan niệm "thầy già con hát trẻ" nên cứ thấy râu dài, tóc bạc" là đổ xô vào xin, không cần quan tâm xem người đó có thực lực như thế nào. Việc này làm mất đi ý nghĩa của việc xin, cho chữ. Chúng tôi không làm hàng, không ganh ghét gì nhưng ở một nơi thực giả lẫn lộn như thế này, ý nguyện cống hiến của chúng tôi cũng bị giảm đi nhiều".
Nhiều vị khách có mặt thể hiện sự bức xúc "có lẽ năm nay là năm cuối cùng tôi có mặt ở phố ông đồ này bởi vì tôi không muốn đến một cái chợ thật giả lẫn lộn. Nhiều người đang cố tình biến nó thành cái chợ, những người thậm chí không biết gì, không cầm bút nổi cũng được gọi là đồ. Tô vẽ theo khuôn mẫu, viết sai, viết xấu tới nhức mắt cũng được ra phố".
Theo những bức xúc của người dân và những người am hiểu chữ nghĩa, chúng tôi thiết nghĩ, nếu như ban quản lý phố không có một cơ chế cụ thể, yêu cầu về trình độ của những người tham gia hoạt động cho tặng chữ đầu xuân thì hoạt động này sẽ càng ngày càng mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Người đến xin chữ đều mong muốn một sự cầu chúc, may mắn, tín nghĩa, bởi vậy những sai sót này cần phải được kiểm soát một cách cụ thể hơn trong những năm sắp tới. Cho- xin chữ đầu xuân là một nét đẹp văn hoá cổ truyền, những người tham gia cho và xin chữ cũng cần có một phông văn hoá nhất định, trong mắt người dân mình và cả những khách ngoại quốc đang nhìn vào chính nền văn hoá của chúng ta..
Hón Thỵ