Thật và giả là hai phạm trù đối lập nhưng luôn có một mối quan hệ biện chứng, song hành cùng nhau, không thể tách rời. Và với sự phát triển phức tạp, đa chiều của cuộc sống thì sự vật, sự việc gì cũng có thể có ít nhất hai phiên bản: Thật và giả.
Bắt kịp với xu hướng phát triển đó, ông Mai Thanh Tuấn – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã khiến những “con chiên của sự giả dối” phải ngả mũ thán phục bởi việc sáng tạo sự thật của mình. Để ngăn cản một số người dân vào tắm, câu cá trong khu vực hồ thủy lợi Soài Chek, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, vị phó phòng đó đã móc một khẩu súng được thủ sẵn trong người để đe dọa và bắn vào chân một thanh niên. Điều đáng nói, khẩu súng đó chỉ là súng đồ chơi sử dụng đạn nhựa.
Câu tục ngữ “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” hoàn toàn phù hợp để làm dẫn chứng trong sự việc này. Bởi theo lời của ông Tuấn, khu vực hồ thủy lợi này được khuyến cáo không nên vào vì địa hình khá nguy hiểm, đã có nhiều vụ chết đuối ở đây nhưng nhóm người dân bị đe dọa đã vào hồ câu trộm cá, thậm chí nhảy xuống tắm nhiều lần và ông không thể nhắc nhở được. Từ sự bất lực đó mới dẫn đến hành động sai trái, bộc phát của vị phó phòng.
Chính vì “tại cả đôi bên”, đặc biệt việc “vừa ăn cắp vừa la làng” của nhiều người dân vi phạm khu vực cấm nên trong sự việc lần này, dư luận cũng có phần đồng cảm với hành động của vị phó phòng. Nhiều người cho rằng cũng chỉ vì sức nặng của hai chữ “trách nhiệm” đè lên vai người quản lý, kết hợp với sự “cứng đầu” của người vi phạm nên ông mới phải sử dụng hạ sách “đe dọa giả” như vậy.
Tuy nhiên, trong sự việc sử dụng súng giả để đe dọa này, ngoài những vấn đề liên quan đến pháp luật như việc tiêu thụ, sử dụng đồ chơi nguy hiểm trong danh mục cấm (súng đạn nhựa) thì những hệ lụy kéo theo cũng vô cùng đáng kể. Sẽ ra sao khi việc “đe dọa giả” trở thành chuyện bình thường? Sẽ ra sao khi con người ta trở nên “nhờn”, bất chấp cả súng đạn bởi nghĩ đó chỉ là đồ chơi vô hại? Phải chăng chúng ta đang cổ xúy cho những hành động bạo lực khi ngôn từ không đủ tác dụng thuyết phục?
Thiết nghĩ, một người quản lý nên sử dụng tài năng, bản lĩnh, sự tử tế, bình tĩnh của mình để bao quát, xử lý và giải quyết công việc chứ không nên để người dân nhận ra sự bất lực đang chi phối suy nghĩ và hành động của mình.
Và cuối cùng, như Albert Einstein đã nói: “Người không coi trọng sự thật trong những vấn đề nhỏ thì cũng không thể tin cậy được trong việc lớn.”
Thảo Dân