Phố đồ cổ nằm ở đường Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM). Nơi đây khách hàng có thể chọn mua được những món đồ cổ ưng ý nhất, dù là người khó tính đến đâu. Đường Lê Công Kiều nằm ẩn mình phía sau đại lộ Hàm Nghi tráng lệ. Dù chỉ dài khoảng 200m nhưng ở đây có tới hơn 40 hộ bán đồ cổ và giả cổ.
Dạo phố, ngắm nhìn cổ vật chúng ta có cảm giác đang đi ngược thời gian trở về thời kỳ xa xưa. Các mặt hàng trưng bày ở đây rất phong phú và đa dạng, thuộc nhiều niên đại khác nhau như điện thoại, máy chụp hình, bình sứ, ấm trà tượng đồng, kiếm, mác… Nhưng nhiều nhất vẫn là bàn, ghế, đồ thờ phụng.
Phố có bán cả những sản phẩm ra đời từ nhiều thế kỷ trước
Gọi là phố đồ cổ nhưng rất ít người biết được rằng, trong số các đồ cổ đó chỉ có khoảng 10-15% là đồ thật, còn lại đều là hàng giả cổ. Đồ cổ thật hay không thì chỉ có những người sành trong nghề mới biết được. Ỡa đây, đồ nào cũng cũ cũ, mờ mờ, ảo ảo mang đậm dấu ấn của thời gian.
Gian hàng bán các loại đèn, có hàng trăm loại đèn kiểu dáng phong phú và lạ mắt. Có những chiếc đèn gần 100 năm tuổi, thậm chí còn lâu hơn nữa. Những chiếc đèn của Pháp hay Mỹ hồi xưa cũng được bày bán ở đây. Ở gian hàng bán đồng hồ, có bán cả những chiếc đồng hồ quả lắc từ những năm 1920, 1930 bị rỉ sét.
Điều đặc biệt nhất khi bạn đến phố đồ cổ là những gian hàng nơi đây, được bày bán ngay bên lề đường. Người bán trưng bày các món hàng tràn lan cho khách lựa chọn. Họ không nói thách, không kèo nài giá cả, thích thì khách mua, không thì thôi. Bất kỳ ai có sở thích về đồ cổ đều có thể vào những hàng quán này để xem và tham quan.
Có thể nói khi đến phố đồ cổ này bạn như đang đến tham quan một viện bảo tàng. Từ hòn đá xanh hình lưỡi dao được cha ông ta dùng làm dao để sinh hoạt cho đến những bộ ấm chén, bình gốm cổ… Đến phố cổ cũng là một cách bạn học về lịch sử, và biết đâu bạn sẽ tậu được trong tay một món đồ cổ với giá hời. Rồi biết đâu nó lại là vật quý mai sau.
Nhà sưu tầm đồ cổ Trịnh Quang Dũng (Q.Tân Bình) thường dành những ngày nghỉ lang thang ở phố đồ cổ. Là một người rất mê đồ cổ, mỗi khi chủ cửa hàng gọi điện có hàng hiếm là ông lại bỏ dở công việc chạy ngay tới. Ông Dũng cho biết: “Đồ cổ ở đây có nhiều giá khác nhau, giá cao hay thấp phụ thuộc vào sự quý hiếm, niên đại và sự hiểu biết của khách hàng”.
Hình ảnh phố đồ cổ Lê Công Kiều ít nhiều đã ghi vào ký ức của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ngày nay phố đang mất dần những nét truyền thống. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự xuất hiện tràn lan của đồ giả cổ trên thị trường.
Hiện nay, tại phố này có những đội ngũ chuyên làm giả hàng cổ với kỹ thuật cao. Độ tinh xảo, sắc nét, hình hài giống đồ cổ thật 100%, thậm chí những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cũng bị qua mặt. Các sản phẩm giả cổ được cung cấp bởi các lò gốm Bát Tràng, Giang Tây (Trung Quốc), các cơ sở sản xuất đồ đá ở Bình Định, Đà Nẵng, các xưởng mộc trên đường Cộng Hòa (TP.HCM), Đức Huệ (Long An)… Mặc dù vậy thì lượng khách đến tham quan và mua hàng vẫn rất lớn. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn xuất hiện thì trong một tương lai không xa phố đồ cổ sẽ dần dần biến mất và thay vào đó sẽ là… phố giả cổ.
Thế Quyết