Phó Thống đốc NHNN: Kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho DN

Lê Thanh Hồng

Lê Thanh Hồng

Chủ nhật, 30/04/2023 08:00

Chính sách lãi suất là cơ sở để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với chi phí tốt hơn.

Để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay chi phí rẻ

Trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo đó, về điều hành lãi suất, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.

Cho đến ngày 15/3/2023, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế và tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành.

Đáng chú ý, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành một loạt các quyết định giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%; trần lãi suất huy động giảm 1%; lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực giảm 0,5%.

 

Nhận định về lãi suất quý I/2023, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 3, lãi suất điều hành giữ vững ở mức ổn định.

Trong quý đầu năm, các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất huy động và cho vay bằng cách tung ra nhiều gói lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí tốt hơn.

Ông Tú cho rằng, trên cơ sở đánh giá thực tế thời điểm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện, cơ sở cho các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

“Chính sách lãi suất được xem là một giải pháp rất quan trọng từ đầu năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế”, Phó Thống đốc nói.

Tài chính - Ngân hàng - Phó Thống đốc NHNN: Kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho DN

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. 

Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế, trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích các đơn vị này tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.

Theo đó, định hướng trong quý II/2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục điều hành lãi suất uyển chuyển, linh hoạt; phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.

“Trong quý II, bối cảnh toàn cầu chưa hẳn đã thuận lợi. Fed có thể chưa tăng lãi suất ngay trong tháng 5 và mức độ tăng có thể chậm lại nhưng những bất lợi mới phát sinh là sự đổ vỡ của ngân hàng quốc tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi kinh tế”, ông Tú cho hay.

Phó Thống đốc cũng chia sẻ rằng, bên cạnh các gói hỗ trợ lãi suất sử dụng ngân sách nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng vận động các ngân hàng dùng nguồn lực của mình hỗ trợ lãi suất để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.