Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 5/6, sau phần trả lời của Bộ trưởng bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải trình thêm trước Quốc hội về những vấn đề các đại biểu nêu.
Điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện gây bức xúc
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Dũng cho biết: “Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi xin tiếp thu tất cả các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục chỉ đạo, khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đạt được để ngành xây dựng tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn, tạo sự phát triển kinh tế xã hội. Trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu khá rõ, khá đầy đủ”.
“Về điều chỉnh quy hoạch tùy tiện các đô thị hiện nay, có nhiều ĐBQH chất vấn. Điều chỉnh quy hoạch là một nội dung của hoạt động quy hoạch, cũng là một nội dung của quá trình thực hiện quy hoạch. Điều chỉnh là do yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan đến hoạt động quy hoạch, do Nhà nước yêu cầu phải điều chỉnh, do chất lượng quy hoạch kém.
Thứ hai, điều chỉnh quy hoạch do người dân yêu cầu, do quy hoạch không phù hợp với quyền lợi của người dân. Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch do nhà đầu tư", Phó Thủ tướng phân tích.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, các đại biểu và cử tri bức xúc về việc điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, chạy theo nhà đầu tư: Nâng tầng chiều cao, nâng mật độ xây dựng, giảm không gian công cộng, tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, đến an toàn cho người dân tại các khu vực này và cần phải khắc phục.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Về biện pháp khắc phục, yêu cầu bộ Xây dựng cùng các địa phương trong thanh tra, kiểm tra xem xét lại việc quy hoạch điều chỉnh vi phạm tiêu chuẩn, cho dừng thực hiện các dự án vi phạm điều chỉnh quy hoạch. Khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến nhiều người dân".
"Dân muốn làm nhà nhưng không được vì vướng quy hoạch, dân muốn chuyển đi thì không có tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Từ đó làm lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu quả sử dụng đất đai, gây bức xúc. Nguyên nhân là do chất lượng quy hoạch kém, dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học, mặt khác công tác lập quy hoạch vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn lực đầu tư, cân đối các nguồn lực đầu tư, xác định lộ trình đầu tư trong từng giai đoạn phù hợp với khả năng của nguồn lực gắn với yêu cầu quy hoạch, từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Cũng do công tác quản lý quy hoạch thiếu kế hoạch nên có việc phát triển tràn lan, theo phong trào, nếu thực hiện tất cả các dự án đã được cấp phép dẫn đến dư thừa sản phẩm bất động sản, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Nhưng hạn chế xây dựng sẽ dẫn đến tình trạng dự án treo, đất bỏ hoang, cùng với đó việc lựa chọn các nhà đầu tư thiếu năng lực, tài chính cũng là điều dẫn đến thiếu năng lực, dự án treo, đất bỏ hoang", Phó Thủ tướng phân tích.
Về giải pháp, ông cho rằng: "Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng dự án, rà soát điều chỉnh kịp thời khung quy hoạch; cần có cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư, tư vấn năng lực có kinh nghiệm.
Thứ hai, thường xuyên rà soát quy hoạch, công khai quy hoạch và lắng nghe ý kiến góp ý của người dân trong điều kiện luật Quy hoạch cũng như điều chỉnh luật Quy hoạch.
Sau khi có quy hoạch được phê duyệt, các địa phương phải lập kế hoạch quy hoạch, xác định lộ trình, cân đối nguồn lực trong quy hoạch. Chính Phủ đã quy định rất rõ, các địa phương chưa làm tốt.
Gắn việc xây dựng với phát triển nhà ở quốc gia, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, trong đó chú ý đến các chính sách phát triển nhà ở cho người có công, đối tượng chính sách, công nhân… Đây là vấn đề rất quan trọng cho thị trường bất động sản phát triển ổn định bền vững. Bởi, thị trường bất động sản phát triển theo nhu cầu, cần đáp ứng được nhiều đối tượng có khả năng thu nhập khác nhau.
Phải có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực; Cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện quy hoạch, phối hợp xử lý kịp thời các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư. Xử lý trách nhiệm của các cán bộ gây ách tắc đến tiến độ của dự án gây thiệt hại cho nhà đầu tư và cho nhà nước”.
Xử lý dứt điểm vụ toà nhà 8B Lê Trực
Liên quan đến ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân và ĐBQH Phạm Tất Thắng về các giải pháp hạn chế gia tăng dân số tại các đô thị lớn, áp lực lên hạ tầng giao thông, nội đô…, trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay:
“Xu hướng đô thị hóa tăng nhanh, người dân ngày càng dịch chuyển về các thành phố lớn – nơi có chất lượng dịch vụ tốt để tìm kiếm việc làm, tìm điều kiện sống tốt dẫn đến dân số tăng, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Mỗi năm riêng dân số tăng cơ học là trên 2% (5 năm tăng 1 triệu người).
Mặt khác, dân số trong khu vực nội đô rất cao, trong khi đó hạ tầng giao thông phát triển chậm không theo kịp quá trình gia tăng dân số, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…. Để khắc phục trước mắt và lâu dài, cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ.
Nhiệm vụ trước mắt, phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở cao tầng, mật độ xây dựng nhà ở nội đô, có kế hoạch xây dựng đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh nằm trong vùng đô thị, với việc kết cấu hạ tầng có sự đồng bộ hiện đại, để hấp dẫn người dân, giảm dân số cho nội đô.
Vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã yêu cầu Hà Nội nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phía Bắc Sông Hồng, trở thành đô thị hiện đại, chất lượng để làm đối trọng thu hút người dân, phát triển đô thị.
Thêm nữa, cần bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các cơ quan đông người ra khỏi các trung tâm, ra khỏi thành phố….
Về dài hạn, phải xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia, từng bước xây dựng các đô thị vùng, có hệ thống hạ tầng đồng bộ… gắn với việc phát triển các khu công nghiệp tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân từ đó giữ chân người dân ở lại, giảm áp lực về tăng dân số tại các thành phố lớn”.
Liên quan đến xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ: “Tại dự án 8B Lê Trực, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trả lời, Thủ tướng Chính Phủ đã nhiều lần chỉ đạo, đề nghị bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Hà Nội xử lý dứt điểm, trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của cư dân sống trong toà nhà này cũng như trong quá trình xử lý. Cùng với đó, tôi đề nghị UBND TP.Hà Nội phối hợp với bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong xử lý việc vi phạm tại toà nhà HH Linh Đàm theo đúng quy định của pháp luật".
Về vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư hiện tại có nhiều tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân, "đề nghị bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với bộ Công an, các bộ ngành liên quan đặc biệt là UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị 29 về tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Nhóm PV Quốc hội