Sau khi phó thủ tướng Nhật đưa ra tuyên bố nói trên, Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức phi chính phủ về vấn đề nhân quyền của người Do Thái (có trụ sở đặt tại Mỹ), đã lên tiếng yêu cầu ông Aso nói rõ lại ý nghĩa của phát biểu này, AFP hôm 31.7 đưa tin cho biết.
Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso - Ảnh: AFP
“Đầu tiên là giới báo chí bắt đầu làm ầm lên (về đề xuất cải cách hiến pháp của Nhật), rồi sau đó Trung Quốc và Hàn Quốc cũng lên tiếng theo”, báo chí Nhật dẫn lời ông Aso phát biểu tại một cuộc họp với một nhóm các cố vấn có xu hướng bảo thủ hôm 29.7.
“Hiến pháp Weimar của Đức đã được âm thầm đổi sang thành hiến pháp của Đức Quốc xã. Tại sao chúng ta không học theo cách thức này của họ?”, ông Aso nói thêm.
Trong một thông báo đăng tải trên trang web của mình vào hôm 30.7, Trung tâm Simon Wiesenthal đáp lại bài phát biểu của ông Aso như sau: “Bài học duy nhất mà chính phủ các nước trên thế giới có thể rút ra từ Đệ tam Đế chế Đức đó là những kiểu hành xử mà những người nắm quyền không nên làm”.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, phát ngôn viên của chính phủ Nhật, hôm 31.7 đã từ chối trả lời báo chí, nói rằng Phó thủ tướng Aso mới là người nên trả lời thắc mắc của báo chí.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã từng tuyên bố muốn sửa đổi hiến pháp hiện hành để tăng cường sức mạnh quốc phòng trong bối cảnh Nhật Bản đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc, theo AFP.
Phó thủ tướng Aso, vốn cũng là Bộ trưởng Tài chính Nhật, được biết đến như một người hay có những phát biểu gây tranh cãi, chẳng hạn như hồi đầu năm ông từng nói rằng người già tại Nhật nên “chết mau đi” để tránh lãng phí tiền ngân sách nhà nước chi cho hệ thống y tế.
Được biết, Cộng hòa Weimar là tên sử gia gọi chính phủ của nước Đức trong thời gian chuyển tiếp từ 1919, sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, đến năm 1933 khi Adolf Hitler và đảng Quốc xã lên nắm quyền.
Theo Thanh Niên