Văn phòng Chính phủ mới có văn bản số 3006 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với một số vướng mắc, tồn tại ở Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Như Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ánh, với mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng cho hơn 2,2 km, tính trung bình mỗi một mét trên tuyến đường này có chi phí đầu tư lên tới 3,5 tỷ đồng. Chi phí xây dựng con đường này sẽ phá vỡ kỷ lục 2 “con đường đắt nhất hành tinh” trước đó.
Cụ thể, tuyến đường này sẽ cao gấp hơn 3 lần chi phí xây dựng đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (hơn 1,1 tỷ đồng/m) và gấp hơn 2 lần tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (1,4 tỷ đồng/m).
Văn bản của VPCP nêu rõ, trên cơ sở xem xét báo cáo của UBND TP. Hà Nội và ý kiến của một số bộ, ngành về việc triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, GTVT... phối hợp hướng dẫn UBND TP. Hà Nội xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định khác có liên quan.
UBND TP Hà Nội cũng được yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, bảo đảm không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Trước đó, xét báo cáo của Bộ KH&ĐT về kiểm tra đơn thư phản ánh, tố cáo của một số công dân tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa về dự án, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thực hiện rà soát lại toàn bộ nội dung dự án, kiểm tra hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng quy định; công khai quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới đường đỏ thuộc dự án cho cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án được biết; tiếp nhận, giải quyết đơn thư theo thẩm quyền, tổ chức đối thoại, phổ biến, tuyên truyền các chế độ, chính sách và các quy định của Nhà nước, tránh việc khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp thẩm quyền.
Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được xem là giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại hai nút giao Láng Hạ - Vành đai 1 và Nguyễn Chí Thanh - Vành đai 1, cũng như kết nối giao thông vùng trung tâm thành phố.
Theo quy hoạch trước đó, toàn bộ đoạn phố này sẽ bị giải tỏa và các hộ dân mặt đường sẽ bị lấy đất để làm bãi đỗ xe, cây xanh. Từ năm 2017, khi nhận thông tin về quy hoạch này, các hộ dân trên đường Đê La Thành đoạn từ ngã tư Hoàng Cầu đến ngã tư Láng Hạ - Giảng Võ đã đồng loạt gửi đơn thư khiếu nại lên nhiều cấp lãnh đạo và căng băng rôn với nội dung phản đối việc giải tỏa khu vực này để làm bãi đỗ xe, cây xanh.
Thông tin trên báo Tiền Phong, mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng chỉ 628 tỷ đồng còn tiền giải phóng mặt bằng hơn 5.800 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2018 – 2020. Đây được xem là tuyến đường "đắt nhất hành tinh" do chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 5.800 tỷ đồng.
Để làm được tuyến đường này, sẽ có khoảng 2.328 hộ dân phải di dời, trong đó quận Ðống Ða 808 hộ, Ba Ðình 1.520 hộ; nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn hộ.
Ban đầu, dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2018, nhưng do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ khởi công dự kiến lùi sang quý II/2019.
Lê Lan (Tổng hợp)