Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương chồng lấn với quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng) với diện tích trên 224ha. Các khu tái định cư cho 2 dự án cũng vướng với quy hoạch khoáng sản.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề dự án cao tốc chồng lấn quy hoạch khoáng sản sẽ được làm rõ trong buổi làm việc vào chiều cùng ngày.
Trình bày với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, liên danh nhà đầu tư cam kết đảm bảo đủ vốn để thực hiện dự án.
Theo thiết kế ban đầu, dự án cao tốc Tân Phú (huyện Tân Phú, Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 66km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) dài 73km, nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỷ đồng.
Ở 2 dự án này, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung vốn ngân sách nhà nước cho 2 dự án cao tốc là 3.332 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là 2.410 tỷ đồng, Bảo Lộc - Liên Khương là 922 tỷ đồng.
Tỉnh này cũng kiến nghị Chính phủ cho phép dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm theo quy định.
Chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận điều chỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng cho dự án để bố trí cho UBND tỉnh Đồng Nai 420 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Lâm Đồng 1.580 tỷ đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ quan tâm giải quyết cho điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án đường cao tốc.
Cụ thể, nâng phần vốn ngân sách lên 8.910 tỉ đồng đối với tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; hơn 8.680 tỉ đồng đối với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Việc điều chỉnh không làm tăng nguồn vốn ngân sách quá 50%.
Đồng thời, cho phép được áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ việc điều chỉnh nói trên đều đã có quy định và có tiền lệ trong hoạt động đầu tư công.
Ngoài ra, Lâm Đồng kiến nghị cho phép kéo dài nguồn vốn này qua giai đoạn trung hạn 2026 - 2030 để làm cơ sở thực hiện và giải ngân.