Ngày 23/6, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì công bố và trao quyết định quy hoạch vùng Tây Nguyên cho các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng.
Mục tiêu của Quy hoạch vùng Tây Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hướng đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, việc công bố quy hoạch vùng Tây Nguyên không chỉ xác định địa giới, định hướng phát triển và tầm nhìn chiến lược để phát triển vùng mà còn đặt ra cho Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên những nhiệm vụ cụ thể.
Đó là Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cần tập trung triển khai quy hoạch công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật; kết hợp với tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm tuyên truyền, quảng bá, thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.
Các tỉnh Tây Nguyên và Hội đồng điều phối vùng cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng.
Hội đồng điều phối vùng và các bộ, ngành tiếp tục phát huy vai trò điều phối, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng.
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cũng phải xác định cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng quốc gia tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các dự án trọng điểm, liên kết vùng, sớm đưa các dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của vùng. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư; Tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành; Tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và phương án đầu tư mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không; khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Trong quá trình cụ thể hoá quy hoạch vùng Tây Nguyên, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu công nghiệp gắn với các trung tâm kinh tế của vùng.