Tại buổi làm việc, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sáng 12/7, toàn tỉnh ghi nhận 399 ca mắc Covid-19. Những ngày tới, dự báo trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt là TP.Biên Hòa, sẽ có rất nhiều ca F0 và F1. Tỉnh cần 1 tháng để có thể dập dịch.
Trong buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác cho rằng, Đồng Nai cần có kịch bản ứng phó khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, lên đến 5.000 người nhiễm; tăng cường sử dụng lực lượng phản ứng nhanh trong điều tra, truy vết.
Tỉnh lưu ý vấn đề an ninh mạng, tuyên truyền để tránh tâm lý hoang mang trong công nhân lao động, đảm bảo ổn định sản xuất. Tuy nhiên, nếu không thể đưa các F1 đi cách ly tập trung và không sớm có vắc xin thì công tác dập dịch sẽ rất khó khăn.
Theo ông Cao Tiến Dũng, trên địa bàn Đồng Nai, dịch Covid-19 đang lây nhiễm phức tạp, khó lường với nhiều ổ dịch. Đặc biệt, những ngày qua, Đồng Nai xuất hiện các ổ dịch lớn tại các chợ dân sinh. Ngoài ra, các ổ dịch cũng đã lây nhiễm thứ phát vào những khu nhà trọ công nhân và các doanh nghiệp.
Tỉnh đã ghi nhận một số ca mắc Covid-19 là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng từ 10.000 đến 20.000 lao động. Những ngày tới, nếu dịch quá phức tạp, Đồng Nai sẽ tính đến giải pháp giảm công suất của các nhà máy.
Hiện, Đồng Nai đã chuẩn bị 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đặt tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh. Địa phương đang tiếp tục mở rộng các khu điều trị, bệnh viện dã chiến với tổng công suất 1.500 giường bệnh để điều trị cho các ca F0.
Ông Cao Tiến Dũng kiến nghị bộ Y tế cử đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm hỗ trợ Đồng Nai thiết lập đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, huấn luyện sử dụng máy ECMO tại chỗ và các phương tiện hồi sức cấp cứu; hỗ trợ trang thiết bị máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nhất là máy ECMO, máy thở.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đối với việc mua sắm sinh phẩm, máy móc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, địa phương có tiền để mua nhưng gặp khó trong công tác đấu thầu, tỉnh kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.
Những ngày tới, Đồng Nai sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng để kiểm soát dịch bệnh.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý Đồng Nai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để Chỉ thị 16 của Thủ tướng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Tỉnh cần tập trung lực lượng, chia ca, nhất là nhân viên y tế để "chiến đấu" lâu dài với dịch Covid-19, đảm bảo chế độ chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai chú trọng chăm lo đời sống cho nhân dân, người lao động, đảm bảo không ai thiếu ăn, thiếu mặc; khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhất là người nghèo, yếu thế.
Về vấn đề xét nghiệm, cố gắng trả kết quả nhanh để kịp thời phát hiện các ca F0. Công tác tổ chức xét nghiệm tuyệt đối không để tập trung đông người để tránh lây chéo, tính toán phương án, có khi xuống tận nhà dân để làm xét nghiệm.
Vấn đề lưu thông hàng hóa, tỉnh cần có phương án để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng nông sản. Tăng tốc xét nghiệm cho các tiểu thương, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái trong thời điểm khó khăn.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ Y tế tăng cường phân bổ vắc xin cho Đồng Nai khi vắc xin về nhiều hơn trong tháng 8, tháng 9 này. Chính phủ giao bộ Y tế bổ sung trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Đồng Nai.
Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 2 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đã đi vào hoạt động.
Riêng bệnh viện dã chiến số 3 đang được xây dựng với 54 phòng và 550 giường, cơ quan chức năng sẽ điều động từ 50 - 60 cán bộ, nhân viên y tế và lực lượng công an, quân đội đến đây làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, đảm bảo an ninh trật tự.