Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý ‘cát tặc’, trấn áp ‘xã hội đen’

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý ‘cát tặc’, trấn áp ‘xã hội đen’

Nguyễn Thị Thùy Ngân

Nguyễn Thị Thùy Ngân

Thứ 2, 20/03/2017 18:40

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm "xã hội đen" và xử lý "cát tặc".

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm lộng hành, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Nội dung trên tại văn bản số 145/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của ban Chỉ đạo 138/CP.

Cụ thể, để tiếp tục chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, thống kê, đánh giá, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.

Chính trị - Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý ‘cát tặc’, trấn áp ‘xã hội đen’

Công an tỉnh Bắc Ninh bắt quả tang tàu HD0612 khai thác cát sỏi trái phép trên sống Đuống. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã (kể cả đối tượng truy nã trốn ra nước ngoài), không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm lộng hành, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Kết luận nêu rõ: “Nơi nào để tội phạm hoạt động lộng hành trong thời gian dài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Cũng theo văn bản này, Phó Thủ tướng đề nghị viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người đến năm 2020 của Chính phủ. Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện các đề án của Chương trình, cần bám sát mục tiêu, nội dung chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện ngay trong Quý I/2017.

Ban Chỉ đạo 138 các cấp cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh công tác phòng, chống tội phạm tại các địa phương, đồng thời biểu dương thành tích, nhân điển hình tiên tiến, chiến công của các lực lượng chuyên trách và quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Giao bộ Công an đề xuất, chuẩn bị để trong năm 2017 ban Chỉ đạo 138/CP tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm tại địa phương.

Các đồng chí thành viên ban Chỉ đạo 138/CP thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động của ban Chỉ đạo, nhất là quy định về chế độ họp, chế độ thông tin báo cáo. Cơ quan thường trực ban Chỉ đạo 138/CP khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan thành viên ban Chỉ đạo thực hiện chế độ, nội dung, hình thức báo cáo định kỳ cho ban Chỉ đạo.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an, bộ Tư pháp cần sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.

Các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật mới được Quốc hội thông qua, nhất là bộ luật Hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân và tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật về những điểm mới trong các văn bản pháp luật, chủ động có kế hoạch thực hiện khi các bộ luật, luật có hiệu lực.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bộ Y tế, bộ Công an, bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo yêu cầu của Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ.

Cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, đạo đức lối sống, giữ vững kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật công tác.

Theo TTXVN/Tin tức

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.