Ngày 10/4/2022, Nghị quyết số 469 NQ-UBTVQH15 ngày 15/2/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành phố Phổ Yên sẽ chính thức có hiệu lực.
Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo TP. Phổ Yên cho biết đây là một bước “nhảy vọt” của địa phương.
Cuộc "nhảy vọt" trước kế hoạch
Ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên cho biết, theo kế hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Thị xã Phổ Yên trước đây, theo quy hoạch đến 2035 mới lên được thành phố.
Tuy nhiên, trên cơ sở các quá trình đánh giá các hiện trạng, kết hợp với những kết quả đã và đang đạt được cho thấy, cơ bản đã thực hiện được chỉ trong một nhiệm kỳ của thị xã từ 2015-2020.
Cụ thể, Phổ Yên được công nhận là thị xã năm 2015 từ huyện lên thị xã, đến 2018 được công nhận là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới (có 18 đơn vị hành chính có 14 đơn vị xã Đạt tiêu chí là nông thôn mới cấp huyện).
Yếu tố khác, cuối năm 2019, Phổ Yên được công nhận là đô thị loại ba - nền tảng để xây dựng thành phố.
“Xét trên cơ sở ba yếu tố này, sau khi đánh giá kết quả đạt được và bám sát mục tiêu định hướng quy hoạch phát triển xã hội của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 Phổ Yên trở thành thành phố. Như vậy là nhảy vọt trước 10 năm so với kế hoạch", ông Trường nhấn mạnh.
Mặt khác, sau hơn một năm triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố Phổ Yên, đến nay Phổ Yên đã cơ bản khắc phục được các tiêu chuẩn còn hạn chế.
Đặc biệt, đã hoàn thiện 5 tiêu chuẩn lớn có tính quyết định bao gồm: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trường chỉ ra, trước tiên về dân số Phổ Yên có gần 300.000 dân, thứ hai quy mô về diện tích ít nhất tối thiểu 150 km2 thì Phổ Yên là 266 km2. Tiêu chí thứ ba là đô thị loại ba, đã đạt được, thứ tư là có ít nhất 65% đơn vị hành chính phải là Phường, tối thiểu có 10 đơn về hành chính trở lên Thì Phổ Yên có 18, như vừa xong đã được công nhận.
Ngoài ra, về mặt kinh tế - xã hội, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn của một số ngành chủ yếu ước đạt: 771.696,1 tỷ đồng.
Bao gồm: Giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng trên địa bàn ước đạt: 767.397,6 tỷ đồng chiếm 92% giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng toàn tỉnh; trong đó: Ngành công nghiệp do địa phương quản lý ước đạt: 6.649,6 tỷ đồng.
Mặt khác, giá trị sản xuất ngành Thương mại – Dịch vụ ước đạt: 2.182 tỷ đồng. Giá trị ngành nông-lâm-thủy sản ước đạt: 2.116,5 tỷ đồng.
Thực tế, năm 2021 là năm đầu tiên Phổ Yên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đã rất thành công, mặc dù trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19.
“Nhờ kế thừa các kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, đồng thời, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, tích cực trong chỉ đạo điều hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân trên địa bàn đã đặt quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2021”, ông Trường bày tỏ.
“Miền đất hứa” của các “siêu cá mập"
Bên cạnh những nỗ lực dù dịch bệnh hoành hành, thời gian qua, Thành phố Phổ Yên cũng cho thấy những cuộc “thay da đổi thịt" nhờ có sự xuất hiện của các cá mập từ khắp nơi đổ về rót vốn.
Vậy tại sao Phổ Yên lại có sự thu hút như vậy trong mắt các “cá mập"? Ông Trường cho rằng, trước sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, Phổ Yên vẫn, đã và đang duy trì có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất hiệu quả.
Chính nhờ đó mà những năm gần đây, Phổ Yên vẫn là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư tại Thái Nguyên với hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, đặc biệt là tổ hợp Samsung với vốn đầu tư 6,23 tỷ USD, xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động và đang tiếp tục được nhà đầu tư rót vốn thêm gần 1 tỷ USD để mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất.
Mặt khác, Samsung hay bất kể tên tuổi lớn nào khác có đầu tư thì cũng đều đặt ra những bài toán giống nhau, đó là vấn đề về lao động, về an ninh khu vực hay khi phát triển quá nhanh thì sẽ thiếu đi tính bền vững.
Về vấn đề này, ông Trường thể hiện quan điểm: “Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc từ câu chuyện Samsung ở Bắc Ninh hay các tập đoàn lớn ở các tỉnh khác”.
Ông chỉ ra, khi có sự đầu tư của tên tuổi lớn, thì công nhân sẽ tới ồ ạt, bà con nhân dân xây nhà xung quanh như nấm, rất nhiều thứ diễn ra với tốc độ chóng mặt. Nhưng làm sao phát triển nhanh - nóng nhưng phải bền vững, lâu dài là điều mà Phổ Yên hướng tới.
Cụ thể, cần tránh những hạn chế khi là một địa phương đi sau và biết được điểm mạnh của mình ở đâu để phát huy triệt để. Ông lấy ví dụ, nói đến công nghiệp nặng như gang, thép, cơ khí, thì phải nói Thái Nguyên; công nghệ cao thì phải là các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng…
Mặt khác, làm sao để vấn đề an ninh trật tự, vấn đề xã hội vẫn có thể duy trì ở mức an toàn khi người lao động tập trung nhiều tại một vài điểm nhất định, “Đây cũng là vấn đề được các lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm”, ông Trường nhấn mạnh.
Theo đó, Phổ Yên có sự quán triệt chính sách hỗ trợ công nhân với các nhà đầu tư như Samsung, qua đó giảm thiểu tối đa những tiêu cực về mặt xã hội.
Thứ nhất, về nơi ở của công nhân, làm được nhiều nhà ở công nhân hơn nữa, quy hoạch nhà ở xã hội bài bản, thuận tiện, qua đó gia tăng tính gắn kết giữa công nhân và công việc, thực hiện bài toán giữ chân người lao động và duy trì tính ổn định cho người lao động.
Lấy ví dụ, trong khu vực Samsung Thái Nguyên đã quy hoạch 15ha nhà ở công nhân ngay trong khu công nghiệp, để đời sống công nhân có thể liền gắn với sản xuất.
Nếu ở các khu công nghiệp khác, khu ở của công nhân không nằm trong khu công nghiệp, sẽ dẫn tới tình trạng phải di chuyển nhiều, tách rời xa nhà máy, lại mất thêm tiền xăng xe di chuyển, thời gian, công sức. Như vậy, sẽ làm giảm tuổi thọ cho sự gắn bó của công nhân đối với nhà máy.
Thứ hai, chính sách sử dụng lao động, ưu tiên người địa phương được tuyển vào ban đầu rộng hơn, như vậy mối lo vấn đề xã hội sẽ giảm đi. Như sau khi Samsung vào, Phổ Yên cũng như Thái Nguyên đã làm việc riêng với Samsung để sử dụng tối đa người ở địa phương, sau đó mới lấy rộng ra các vùng khác.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ người lao động. Ông Trường cho biết, nếu ở các địa phương khác không có xe đưa đón công nhân trong thời kỳ Covid, thì ở Phổ Yên vẫn tổ chức đưa đón công nhân trong bán kính 100km, đồng thời tuân thủ giãn cách đảm bảo sức khỏe cho công nhân.
“Có như vậy thì áp lực xã hội tại một thời điểm của một địa phương nhỏ là không có, nó sẽ được san sẻ, đó là tạo sự phát triển bền vững”, ông Trường giải thích thêm.
Cùng với đó, thị xã đã tập trung quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia, hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Cổng TTĐT Thành phố Phổ Yên, địa phương là nơi dẫn đầu các huyện, thị, thành trong tỉnh và cả khu vực phía bắc về thu hút đầu tư FDI với 6,8 tỷ USD, đưa tổng số vốn đăng ký đầu tư vào địa bàn lên 225 nghìn tỷ đồng.
Nhiều tập đoàn lớn như Vinaconex 3, Kosy Group, Tập đoàn Tiến Bộ, Thái Hưng, Tập đoàn T&T... cũng bắt đầu hiện diện tại Phổ Yên với loạt dự án quy mô. Hiện địa phương này đang triển khai ba khu đô thị và một khu dân cư với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Bước tiến lớn trong năm mới, xứng đáng là thành phố hiện đại
Theo đại diện UBND Thành phố, bám sát và đánh giá hiện trạng, nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng tương xứng với một thành phố trong tương lai cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư, Phổ Yên phấn đấu hoàn thành các dự án trọng điểm đề xuất với lãnh đạo Tỉnh Thái Nguyên trong năm 2022, để hoàn thiện các tiêu chí về đô thị.
Qua đó, cũng đảm bảo thực hiện đúng tiến độ theo nội dung Nghị quyết của Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề ra cũng như đáp ứng kịp thời sự mong đợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc thuộc thành phố Phổ Yên.
Theo đó, Phổ Yên đang tích cực triển khai 06 dự án với tổng nhu cầu vốn là 906 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 397 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 509 tỷ đồng, hiện nay thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập và hoàn thiện hồ sơ gửi các sở, ngành thuộc tỉnh thẩm định để triển khai các bước tiếp theo.
Cụ thể, hiện Phổ Yên đang tiếp tục đầu tư hàng loạt dự án quan trọng trị giá hàng nghìn tỷ đồng như: Xây dựng quần thể khu văn hóa - thể thao - công viên cây xanh tại xã Nam Tiến với quy mô 44ha, tổng mức đầu tư 546 tỷ đồng; các dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ ngã tư Thanh Xuyên đi đê Chã; xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 3 cũ đi Trung tâm Văn hóa xã Nam Tiến; nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối từ Quốc lộ 3 cũ đi Bệnh viện Quân y 91; xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 3 cũ đi tổ dân phố Kim Thái, phường Ba Hàng; xây dựng tuyến đường nối từ đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đi Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong…
Không chỉ vậy, trong tháng 12/2021, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) TP. Phổ Yên, trung tâm điều hành thông minh cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã chính thức khai trương, đây là một dấu mốc mới trong giai đoạn xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đóng vai trò hỗ trợ công tác giám sát và điều hành thông qua các chỉ số ở các lĩnh vực, kết nối hình thành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, góp phần đẩy nhanh hiệu quả chuyển đổi số của chính quyền và các lĩnh vực của đời sống... tiến tới xây dựng Phổ Yên trở thành thành phố thông minh.
Từ đó, cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế năng động của Phổ Yên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung trong bối cảnh chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu của Quốc gia.
Công Luân - Minh Uyên