Ô nhiễm không khí hiện nay ngày càng gia tăng và đang là một vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường đô thị, các khu công nghiệp và làng nghề ở nước ta. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, cần thiết phải phối hợp đa ngành và phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, chủ đề về ô nhiễm không khí và sức khỏe đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi tại cuộc họp chuyên đề của Nhóm Đối tác y tế do bộ Y tế tổ chức vào chiều 27/11 tại Hà Nội.
Ô nhiễm không khí – "Sát thủ thầm lặng"
Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khoẻ môi trường, cục Quản lý môi trường y tế cho biết: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Ô nhiễm không khí xung quanh và ô nhiễm không khí trong nhà đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân và người lao động. Do đó, rất cần phải có kế hoạch hành động và các giải pháp để bảo vệ sức khoẻ người dân trước tác động của ô nhiễm không khí, đặc biệt tại những thành phố lớn, khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Tại những khu vực này, ô nhiễm không khí gia tăng từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp làng nghề, nhà máy nhiệt điện.
WHO coi ô nhiễm không khí là “sát thủ thầm lặng”, là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vấn đề sức khỏe thường gặp là các bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen; các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đối với phụ nữ có thai làm tăng nguy cơ đẻ non và trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Theo WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra hơn 27.340 trường hợp tử vong và ô nhiễm không khí trong nhà gây ra hơn 56.426 ca tử vong tại Việt Nam.
“Ô nhiễm không khí tại nơi làm việc cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, gây ra bệnh đường hô hấp, bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Ô nhiễm không khí tại các cơ sở y tế cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Cần có kế hoạch, hành động cụ thể nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân” – ông Cường nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tương đối cao, hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém. Theo PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, bộ Y tế, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề nóng tập trung ở các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
Ô nhiễm không khí được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính của WHO, hiện Đông Nam Á và Thái Bình Dương mỗi năm có 530.000 người chết vì các bệnh đường hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí. Trên thế giới hàng năm có khoảng 2 triệu trẻ em bị tử vong do nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó có khoảng 60% trường hợp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Phối hợp đa ngành
Trước những tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng cục Quản lý môi trường y tế, bộ Y tế cho rằng cần tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành và phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Đặc biệt, xây dựng nhóm kỹ thuật về môi trường y tế với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan.
"Tăng cường nghiên cứu bằng chứng tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe, từ đó, có thông tin tuyên truyền vận động chính sách và cung cấp kiến thức cho người dân để có biện pháp giảm thiểu phát thải và bảo vệ sức khỏe"– PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương đề xuất.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, ngành y tế và các bộ ngành cần phối hợp xây dựng các kế hoạch, hành động, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.
Tại cuộc họp, một số chuyên gia quốc tế cho rằng các giải pháp nhằm ứng phó với vấn đề ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân, bao gồm phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế rất quan trọng, tuy nhiên, quan trọng hơn cả là xác định rõ các thách thức hay rào cản của vấn đề quản trị hay nhân lực hay quan lý các quy định.
Theo Mai Đan (Báo Tài nguyên & Môi trường)