Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành quy chế phối hợp quản lý thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.
Quy chế này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong quản lý thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 (chương trình).
Mục đích phối hợp nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án, nhiệm vụ của chương trình ngay từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện đến hoạt động nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án trong chương trình. Tổ chức tốt công tác điều phối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, khai thác, tận dụng tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án; tăng cường và đề cao trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của từng bộ, cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình.
Về nội dung phối hợp, quyết định nêu rõ, các bộ ngành, địa phương sẽ phối hợp tổ chức thực hiện chương trình: Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách, việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án, tổng hợp, phân bổ kinh phí hằng năm của chương trình; Theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết chương trình; Gắn kết thực hiện với chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển và các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan.
Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình gồm: Thẩm định và phê duyệt dự án thực hiện; Hướng dẫn, phân bổ và giao kế hoạch, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán và giao nộp sản phẩm; Thông tin, báo cáo trong quá trình thực hiện.
Phương thức phối hợp có thể thực hiện bằng cách thức gửi công văn, thư điện tử; Tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến; Chia sẻ, cập nhật thông tin có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện chương trình và các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình; Tổ chức các đoàn, tổ công tác liên ngành trong trường hợp cần thiết.
Việc lựa chọn phương thức phối hợp do các cơ quan thống nhất, quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa bàn, cấp đơn vị.
Rà soát dự thảo kế hoạch triển khai thi hành luật Bảo vệ môi trường
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thi hành luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, nhất là các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát nội dung dự thảo quyết định đảm bảo số lượng, loại văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường được xác định đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật Bảo vệ môi trường và tránh trùng lặp, chồng chéo, không phù hợp với quyết định số 2197/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Đối với việc xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường, bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại nội dung về phân công công việc đảm bảo đúng trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
N.Giang