Trong thời tiết giao mùa và thời tiết lạnh, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp do sức đề kháng kém, đặc biệt là bệnh hen phế quản. Đây là bệnh tương đối nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Bệnh hen phế quản có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em. Hen phế quản ở trẻ em có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý sớm như: Xẹp phổi, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí màng phổi, suy hô hấp.
Hen phế quản là tình trạng các tiểu phế quản bị hẹp do viêm mãn tính gây co thắt các cơ ở thành phế quản, làm sưng và phù lớp niêm mạc phế quản, đồng thời tiết nhiều chất nhầy trong lòng các phế quản, gây khó thở.
Ngoài những yếu tố như di truyền thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen phế quản như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết...
Do đó, để hạn chế khả năng tái phát của bệnh hen phế quản, cha mẹ cần nắm được những phương pháp phòng tránh để tăng khả năng kiểm soát bệnh cho con.
1. Không được để trẻ bị nhiễm lạnh
Đối với những trẻ bị hen phế quản, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần tuyệt đối không được để trẻ bị nhiễm lạnh. Khi đi ra khỏi nhà cần mặc ấm cho trẻ.
Khi tắm cần lưu ý tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm, cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ.
Mùa lạnh mỗi lần chuẩn bị tắm, rửa cho trẻ nên chuẩn bị một số phương tiện như: Quần áo sạch, lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là trẻ được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.
2. Hạn chế đồ ăn xuất hiện cơn hen
Đối với trẻ có tiền sử hen phế quản thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: Tôm, cua, ốc.
Bên cạnh đó cần tránh những thức ăn có nhiều gia vị thường thấy ở các món salad, các loại uống giải khát và thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, rau cải ngâm dấm hoặc làm dưa chua, các loại trái cây khô đóng gói, chế biến sẵn.
Tất nhiên không phải mọi thực phẩm trên đều cần phải kiêng mà bạn nên theo dõi xem trẻ thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn hen để phòng ngừa và cách ly.
Cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin C, magnesium và những acid béo Omega 3 giúp trẻ tăng thêm sức đề kháng phòng bệnh.
3. Không được cho trẻ tiếp xúc với khói, bụi, ô nhiễm
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mùi nước hoa, dầu gió, khói nhang, khói bếp, khói thuốc lá... Đặc biệt người lớn không được hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ bị bệnh.
Thường xuyên giặt chăn màn, thay ga giường, chiếu. Vì những hạt bụi nhỏ bé sẽ thường xuyên bám vào những đồ dùng này. Hãy loại bỏ chúng bằng cách giặt các đồ cá nhân trên mỗi tuần bằng nước ấm và sấy cho đến khi thật khô.
Gấu bông hoặc các đồ chơi của con có thể là nơi bụi bẩn trú ẩn và gây ra bộc phát hen. Hãy giới hạn số lượng đồ chơi trong phòng của bé và vệ sinh chúng thường xuyên bằng cách giặt sấy hoặc lau chùi bằng dung dịch diệt khuẩn.
Trong phòng ngủ của trẻ cũng không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy.
Khi đi ra ngoài đường cần cho trẻ đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi đường.
Bụi bẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bộc phát hen phế quản dị ứng. Môi trường xung quanh sạch sẽ cũng sẽ hạn chế được bệnh hen phế quản tái phát.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi
Một số vật nuôi có thể gây ra hen phế quản dị ứng, chủ yếu là mèo, chó hoặc các vật nuôi có lông khác. Ngoài do lông thú cưng, những cơn hen bộc phát ở trẻ được gây ra bởi tế bào da chết, nước bọt và nước tiểu của các thú cưng trên.
Khi con yêu bị hen phế quản nhưng vẫn muốn có vật nuôi, bạn không cho chúng vào một vài khu vực trong nhà, nhất là phòng ngủ, cũng như không được leo lên ghế nệm. Ngoài ra, hãy tắm cho thú cưng ít nhất một lần mỗi tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là không nên nuôi các loài vật nuôi này trong nhà.
5. Thường xuyên vệ sinh mũi họng sạch sẽ
Việc vệ sinh mũi họng thường xuyên sẽ giúp mũi họng con luôn sạch sẽ, tránh bị kích ứng với những tác nhân gây bệnh như khói bụi, ô nhiễm.
Sử dụng nước muối sinh lé 0,9% để nhỏ cho con ngày 2-3 lần. Đặc biệt, lưu ý những lúc con có biểu hiện ho, có mũi, đờm, thì việc vệ sinh mũi họng cần thường xuyên và liên tục, ngày có thể rửa 4-5 lần.
Việc vệ sinh mũi họng hằng ngày rất tốt cho trẻ nhỏ, không chỉ riêng đối với những trẻ có tiền sử hen phế quản.
6. Dùng thuốc dự phòng
Những trẻ từng bị hen phế quản, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn. Đặc biệt đối với những trẻ cần điều trị phòng hen cũng cần tuyên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bởi vì khi trẻ bị hen phế quản, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng.
Mặt khác, hen phế quản ở trẻ em không giống như người lớn mà cần đặc biệt lưu ý về thuốc, liều lượng, cách dùng mới đảm bảo được hiệu quả trong điều trị bệnh cho trẻ.
Bệnh hen phế quản không thể trị dứt được, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát tốt nếu các ông bố bà mẹ biết phòng tránh, điều này sẽ hạn chế được phần nào khả năng tái phát của bệnh.
Nga Quỳnh (tổng hợp)