Nói về ngày nhà giáo Việt Nam, TS.Lê Qúy Đức cho biết, trước đây khi chưa có ngày này, chúng ta thường lấy ngày mùng 3 tết Nguyên đán (Âm lịch) để thể hiện sự biết ơn với nhà giáo. Theo đó, khi đến ngày mất của thầy, các học trò sẽ cùng nhau tổ chức làm giỗ cúng thầy của mình như giỗ cha mẹ. Đây là truyền thống tốt đẹp của văn hóa phương đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Và ngày Nhà giáo Việt Nam là sự tích hợp văn hóa, hỗn dung văn hóa hay sự tiếp biến văn hóa của dân tộc.
Việc tặng quà thầy cô nhân ngày này theo đó là một phương thức thể hiện tình cảm tri ân của học trò và cha mẹ học trò đối với nhà giáo. Từ đây, chuyện quà cáp, phong bì trở thành "luật bất thành văn" và phát triển thành vấn nạn. Theo TS. Đức phân tích, chuyện phong bì có cả mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, chuyện "đáp lễ" này góp phần "bù đắp" một phần kinh tế cho các thầy cô vì chỉ trừ những nhà giáo lỗi lạc hoặc "bất chính", còn theo mức bình quân thu nhập hiện nay thì nhà giáo có thu nhập không cao.
PGS. TS. Lê Qúy Đức
"Anh là bác sĩ, người ta đến khám bệnh thì anh có quyền lấy tiền nhưng người thầy giáo thì không thể đòi tiền được. Hay một ông bác sĩ chữa bệnh cho một con bệnh hiểm nghèo thì sẽ rất có uy tín nhưng một nhà giáo cứu vớt một học sinh dốt để nó đỗ được bằng cấp nọ kia thì nhiều khi lại là sự tiêu cực. Đó là cái khó của nhà giáo và nhà giáo chân chính không đặt ra cái giá cho mình được, vì thế nên học trò tặng quà vừa là sự tưởng nhớ công ơn người thầy tận tâm dạy dỗ, vừa là sự "bù đắp" một chút nào đó cho người thầy đã dạy dỗ mình", TS.Đức nói.
Nói về khía cạnh tiêu cực, TS.Đức chỉ ra một thực trạng là nhiều thầy giáo muốn thông qua ngày hiến chương để nhận quà cáp, cầm phong bì của học sinh và phụ huynh học sinh. Thậm chí có nhiều người thầy lợi dụng, đi khoe "oai" rằng học sinh biếu tôi cái này cái khác, và đây lại đang là một xu thế trong xã hội ta. Vì thế muốn loại bỏ sự biến tướng này thì người thầy phải tự tôn trọng mình, giữ gìn đúng phẩm chất cao quý của người dạy chữ và phải nghiêm khắc giáo dục, cảnh tỉnh những học trò lấy tiền bạc, quà cáp làm phương tiện mua chuộc lòng thầy cô. Thực tế là có nhiều người đi học rơi vào tình trạng "bằng thật học giả", muốn nhân những ngày này để tranh thủ mua chuộc, đút lót người thầy nhằm qua cửa. Điều đó thể hiện sự suy thoái đạo đức trong xã hội vì điều gì cũng được đem ra đong đếm, giải quyết bằng tiền.
Theo TS.Đức, để giải quyết tình trạng này, từ người thầy, học trò cho đến các bậc phụ huynh cần nâng cao sự tự ý thức, đặc biệt là phụ huynh của học sinh đang ở tuổi vị thành niên, thiếu niên và nhi đồng hiện nay. "Làm sao một cháu học mẫu giáo cũng biết cái "lễ" của mình có to hơn của bạn hay không? Cũng biết bạn này, bạn kia đưa cho cô mấy trăm nghìn? Cũng yên tâm vì được bố mẹ dung túng vì bảo đã đưa quà cho thầy cô rồi cứ yên tâm mà học. Những gì cao quý nhất thuộc về tinh thần còn mua bán được thì có lẽ bao nhiêu thứ khác như nhân phẩm, nhân cách rồi cũng bị mua bán, trao đổi và dẫn đến sự suy đồi xã hội".
"Tôi cho rằng, nên có sự hài hòa, không cấm, cũng không nên quá khắt khe trong việc tặng quà thầy cô vào ngày lễ, tết, bởi đây là phương tiện để truyền tải lòng biết ơn. Việc tặng quà cáp biếu xén bị lên án khi nói xuất phát từ động cơ không trong sáng từ cả người cho và kẻ nhận. Vấn đề này phải được giải quyết từ góc độ vĩ mô, bởi nó không chỉ gắn với việc đổi mới toàn diện nền giáo dục mà Nhà nước còn cần phải cân bằng lợi ích, đời sống cho các giai tầng xã hội", TS.Đức nói.
Thanh Xuân - Thanh Loan