1- Tỏi
Tỏi tên khoa học là Allium sativum L., thuộc họ hành tỏi Liliaceae. Trong tỏi có một ít iốt và tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin có công dụng kháng khuẩn, kháng virut và kháng ký sinh trùng.
Cách 1: Tỏi 100g, gừng tươi 100g, giấm ăn 500 ml. Tỏi và gừng rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào lọ ngâm với giấm, bịt kín, sau chừng 30 ngày thì dùng được, pha chế với nước chấm hoặc mỗi ngày uống 10ml sau bữa ăn.
Cách 2: Tỏi 1 củ, bóc vỏ, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước rồi dùng nước sôi để nguội pha loãng gấp 10 lần, nhỏ mũi mỗi ngày từ 3 – 5 lần. Hoặc dùng nửa tép tỏi, giã nhuyễn trong chén đã rửa sạch rồi cho 10 ml nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) vào chén, khuấy nhẹ, bỏ bã, gạn lấy phần nước trong, dùng để nhỏ mũi 2 – 3 lần trong ngày.
2- Củ nghệ
Theo lương y Nguyễn Hải Dương, Curcumin là một hợp chất chống viêm có nhiều nhất trong củ nghệ. Curcumin đã được chứng minh là một chất kiềm chế mạnh mẽ quá trình mắc bệnh qua trung gian gây viêm mãn tính. Các hợp chất Curcuminoid trong nghệ có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ bao gồm glutathione, superoxide dismutase và catalase. Các phân tử này rất quan trọng cho cơ thể có tác dụng hạn chế oxy hóa, căng thẳng đối với những cơ quan quan trọng.
Cách làm: Lấy củ nghệ cái (củ chính) rửa sạch, gọt vỏ, thái lát mỏng cho vào chén giã nhỏ, rồi cho ít nước sôi vào để ngâm vài phút. Sau đó gạn lấy nước uống, xác nghệ còn lại cho vào ít giấm ăn, khuấy đều rồi dùng xoa khắp người để giúp trị cảm cúm. Những trường hợp mắc mưa nắng có biểu hiện muốn cảm cúm như người mệt mỏi, uể oải thì áp dụng cách trên cũng có thể phòng bệnh cúm.
3- Củ gừng
Các hoạt chất trong củ gừng có tác dụng tốt trong phòng trị cúm, cảm lạnh.
Cảm lạnh rét run: Lấy 10 gr gừng tươi giã nát rồi hòa với nước sôi. Sau đó lọc lấy nước bỏ bã gừng và cho thêm 10 gr đường trắng, khuấy đều. Uống hỗn hợp này khi nóng và đắp mền kín cho ra mồ hôi.
Đối với trường hợp cảm sốt do thời tiết lạnh: Lấy củ gừng tươi giã nhỏ rồi tẩm rượu, sao cho nóng lên. Sau đó cho gừng vào một tấm vải cột chặt lại dùng để xoa lên người đánh gió toàn thân.
Cảm cúm, sốt, nhức đầu, ho, nghẹt mũi: Dùng 15 gr gừng tươi, 10 gr hành trắng (hành tây, lấy cả củ, rễ, lá). Cho tất cả vào sắc lấy nước uống, còn phần bã cho thêm nước, đun sôi lên để xông cho ra mồ hôi.
4- Hành lá
Đây cũng là một món ăn có tính sát khuẩn mạnh giúp trị cảm cúm hiệu quả. Hành cũng là một vị thuốc chống động thai (Lấy 60g hành tươi sắc kỹ cùng với một bát nước, lọc bỏ bã rồi uống).
Bài thuốc chữa cúm đơn giản nhất từ hành là nấu cháo gạo tẻ, cho thêm nhiều hành, ăn lúc còn nóng rồi đắp chăn ấm để mồ hôi ra dâm dấp là được. Bạn cũng có thể cho hành vào cháo trứng gà và kết hợp với bài thuốc từ kinh giới, tía tô kể trên.
Vi Hậu