Xem thêm: Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Hù dọa bệnh nhân, mập mờ giá cả
Bệnh nặng... chuẩn bị nhiều tiền
Nghe những lời tư vấn bệnh của nữ bác sĩ Trung Quốc và cô trợ lý phiên dịch, PV nói chưa có tiền chữa bệnh ngay, vì số tiền chữa bệnh của một chu trình như vậy là nhiều so với túi tiền. Hơn nữa, sắp tới PV có việc phải về quê nên việc chữa trị bị đứt quãng thì không hiệu quả.
Thấy vậy, cô trợ lý phiên dịch quay sang vị nữ bác sĩ Trung Quốc nói chuyện, rồi quay lại bảo PV: “Bác sĩ đã nói rồi, bệnh của chị khá nguy hiểm. Nếu để lâu sẽ có biến chứng. Chị đồng ý chữa thì chỉ cần trị liệu 3 - 5 ngày liên tục là khỏi. Mỗi ngày chị đến tiêm thuốc một lần. Việc chữa trị này không ảnh hưởng đến việc đi lại. Bây giờ chị làm ngay liệu trình lần một trong vòng một tiếng đồng hồ thôi, rồi mai mốt đến làm tiếp xong là về quê thoải mái rồi, bệnh cũng khỏi luôn”.
Biết rõ, cô trợ lý phiên dịch đang dùng chiêu bài dụ mồi nên PV nói tránh sang việc tư vấn giá tiền vì hiện tại tiền chưa chuẩn bị. PV hỏi: “Chị và bác sĩ cho em biết, số tiền em phải dùng trị bệnh hết tổng bao nhiêu để chuẩn bị trước, chứ hiện tại không có tiền”.
Cô trợ lý trả lời: "Trong một chu trình chữa bệnh, chị đến phòng khám vài ngày. Mỗi lần đến đây bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào tĩnh mạch cùng các dịch vụ hết khoảng 1 triệu đồng/lần (tương đương 1 liệu trình). Chị làm từ 3 - 5 liệu trình cho tổng một chu trình thì cộng lại chị có thể ướm chừng 3 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, chị chuẩn bị thêm tiền nhiều hơn thì càng tốt, nếu không dùng tới tiền dư chị có thể cầm về”.
PV thắc mắc về giá cả giữa việc tư vấn trên mạng và hiện tại đến khám bệnh ở phòng khám rất khác nhau, cô trợ lý phiên dịch im lặng. PV cắt nghĩa: “Em đến khám bệnh theo lời tư vấn của bác sĩ Nga, nói chỉ hết vài trăm ngàn, đến sinh viên cũng có tiền đến khám. Nhưng tới đây thì mức giá lên đến gần 1,3 triệu đồng/lần khám. Như vậy, nếu là một sinh viên thì đã bị mất hơn nửa tháng tiền ăn rồi. Vậy thì họ sẽ không thể khám bệnh được chứ chưa nói đến việc chữa bệnh ở đây”.
Thấy PV phản ứng về chi phí khám chữa bệnh, cô trợ lý phiên dịch trả lời sang một nội dung khác: “Khi chị đến chữa bệnh, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cho chị vào tĩnh mạch, các loại thuốc trị bệnh sẽ được kết hợp, rồi truyền vào cơ thể chị thôi. Do thuốc đắt nên mới có giá cao như vậy. Hơn nữa, phòng khám cam kết chữa cho chị khỏi 100% với thời gian ngắn...”.
PV đề nghị, nếu phòng khám có thuốc đặt trị bệnh viêm phụ khoa thì kê đơn thuốc cho cũng được. Cô trợ lý quay qua nói bằng tiếng Trung Quốc với nữ bác sĩ. Sau đó, dịch lại: “Bệnh của chị nặng lắm rồi, không có đơn thuốc. Phải chữa bằng liệu trình của bác sĩ. Khi đã đỡ bệnh rồi mà nghi còn nhiễm vi khuẩn viêm âm đạo mới được cho thuốc đặt. Hiện tại không có thuốc đặt hay uống. Những loại thuốc này chỉ dành cho người mới mắc bệnh...”.
PV hỏi ngược lại với nội dung, thông thường những người đi khám bệnh ở bất cứ nơi đâu đều được kê đơn thuốc nhưng ở phòng khám Mayo lại nói bệnh chung chung nguy hiểm, bắt người bệnh phải tới chữa theo liệu trình thì không thuyết phục. Ngừng một lát, cô trợ lý lên giọng giảng giải: “Phòng khám đã cam đoan với chị sẽ trị khỏi bệnh cho chị”.
Tư vấn lòng vòng để thuyết phục chữa bệnh
Mặc dù PV chưa đồng ý chữa bệnh với các liệu trình mà vị nữ bác sĩ Trung Quốc cùng cô trợ lý phiên dịch nêu ra, nhưng sau những cam đoan về việc chữa bệnh khỏi ngay trong vòng vài ngày, cô trợ lý chuyển sang việc hù dọa. Cô ta nói bệnh của PV không những nguy hiểm mà còn có thể xảy ra tình huống khác là phản ứng thuốc, không hợp thuốc, buộc phải làm một phương pháp trị liệu thứ 2 (đưa lý lẽ hù dọa bệnh quá nguy hiểm).
Theo lời cô trợ lý phiên dịch: “Nếu chị điều trị các liệu trình như bác sĩ nói mà vẫn không khỏi vì bệnh đã nguy hiểm vô cùng thì bác sĩ có thể đổi thuốc, do phản ứng phụ của thuốc. Do vậy, chị cần xem xét về bệnh của mình nặng tới đâu để chữa trị kịp thời...”.
Trước những lời của cô trợ lý, PV hỏi lại: “Ban đầu chị bảo bác sĩ nói điều trị 3 - 5 liệu trình là khỏi ngay, giờ lại nói phải đổi thuốc. Liệu thời gian 3 - 5 ngày trị bệnh có biết được thuốc phù hợp hay không. Hơn nữa, em là một bệnh nhân tới khám bệnh sao chị hỏi em phải biết được bệnh của mình nặng ở mức độ nào....”.
Thấy PV đưa ra nhiều lập luận về cách tư vấn bệnh không thống nhất của bác sĩ, cô trợ lý im lặng rồi nói chuyện với nữ bác sĩ Trung Quốc. Vị bác sĩ từ đầu đến cuối cũng cảm nhận sự phản ứng mạnh mẽ của người bệnh nên trả lời cô trợ lý bằng thái độ cáu gắt. Dừng lại một lúc, cô này nói: “Ở đây bác sĩ đã tư vấn cho chị việc khám chữa bệnh, chị cứ suy nghĩ đi rồi quyết định việc có tiếp tục chữa hay không. Nhưng chị nên chữa chạy kịp thời nếu muốn có thai sớm...”.
Để thay đổi không khí, PV cầm tờ kết quả khám bệnh cuộn tròn nói: “Bây giờ em sẽ cầm kết quả về, chuẩn bị tiền mới đến chữa bệnh. Cho em hỏi bác sĩ tên gì và cho em số điện thoại hoặc card name để lần sau em tới sẽ điện trước đặt lịch”. Cô trợ lý thuật yêu cầu của PV cho nữ bác sĩ. Nghe xong, vị bác sĩ tỏ thái độ tức tối, không hài lòng, nói một hồi bằng tiếng Trung Quốc sau đó đưa tay chỉ lên tờ giấy A4 dán ở tường.
Cô trợ lý phiên dịch trả lời PV: “Bác sĩ nói bà ấy không phải người Trung Quốc mà là người Đài Loan. Bác sĩ có chứng chỉ hành nghề do sở Y tế TP.HCM cấp nên chị yên tâm. Còn tên bác sĩ không cho được, chị tới phòng khám cứ hỏi bác sĩ người Đài Loan có tên Ngọc. Hoặc chị gọi tới số điện thoại tổng đài và yêu cầu tới phòng khám P5 (tức phụ khoa 5) là gặp được bác sĩ. Còn em chỉ là trợ lý phiên dịch cho bác sĩ nên chị không cần biết tên hay số điện thoại”.
Dù cô này từ chối khéo việc giới thiệu tên và số điện thoại nhưng PV vẫn tiếp tục kì kèo để biết tên thì cô gái mới cho biết tên Hạnh – phiên dịch viên. Để kiểm chứng những gì vừa chứng kiến và cảm nhận về vị nữ bác sĩ vừa khám bệnh cho mình, PV mở tờ giấy ghi kết quả khám ban đầu do nữ bác sĩ này khám. Về phần kết luận bệnh ghi rõ nhưng tên bác sĩ khám bệnh lại bỏ trống. Riêng những tờ giấy xét nghiệm khác, có ghi tên bác sĩ người Việt nhưng những vị này lại không có tên trong danh sách đăng ký khám bệnh mà lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cung cấp cho PV sau này (sẽ đề cập đến ở kỳ sau).
Theo thông tin xác minh từ sở Y tế TP.HCM cung cấp cho PV thì phòng khám đa khoa Mayo không có bác sĩ Đài Loan, chỉ có 5 bác sĩ người Việt Nam và 3 bác sĩ người Trung Quốc khám kèm theo 3 trợ lý phiên dịch. Cả 3 bác sĩ Trung Quốc này đều là nam giới và có 3 trợ lý nam phiên dịch, không có bác sĩ nữ hay trợ lý phiên dịch nữ nào như vị nữ bác sĩ và phiên dịch viên Hạnh mà PV đã tiếp xúc.
Đình chỉ hoạt động của phòng khám Mayo Ngay sau khi báo Người Đưa Tin đăng tải bài viết “Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc: Hù dọa bệnh nhân, mập mờ giá cả”, ngày 13/5, bộ Y tế cũng đã công bố kết luận thanh tra và xử phạt phòng khám đa khoa Mayo thuộc công ty TNHH Dịch vụ Y tế Mayo. Theo đó, phòng khám Mayo có biển hiệu ghi không đúng so với nội dung trong Giấy phép hoạt động, phạt tiền 3 triệu đồng; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động, phạt 8 triệu đồng; người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch dịch sang tiếng Việt, phạt tiền 10 triệu đồng; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định phạt tiền 15 triệu đồng. Ngoài ra, sở Y tế TP.HCM còn thông báo về việc tạm ngưng hoạt động của phòng khám đa khoa Mayo thuộc công ty TNHH Dịch vụ Y tế Mayo để khắc phục các điều kiện để hoạt động. Sau khi khắc phục, các đơn vị có văn bản gửi sở Y tế để được xem xét thẩm định tiếp tục hoạt động. |
Huệ Trần
(Còn nữa…)