Khám qua loa
Phòng khám đa khoa Mayo (35B - 35C đường 3/2, phường 11, quận 10, TP.HCM) đã tung nhiều chiêu quảng cáo trái phép trên mạng internet để chiêu dụ khách hàng khám bệnh với giá rẻ, chuyên môn bác sĩ tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm. Thế nhưng, đây chỉ là màn quảng cáo lừa bịp để các bác sĩ Trung Quốc hoạt động khám chữa bệnh trái phép.
Không những thế, phòng khám còn thực hiện nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh trái phép như nạo phá thai... Trên thực tế, phòng khám này cũng mới được sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động vài tháng gần đây. PV báo Người Đưa Tin đã vào vai người bệnh để lật tẩy những mánh khóe sai phạm của phòng khám.
Trước khi tới phòng khám Mayo, PV lên mạng vào trang web của phòng khám để tìm hiểu thông tin. Qua đó, PV được một bác sĩ tên Nga tư vấn trực tuyến. Khi bắt chuyện với PV, vị bác sĩ tên Nga hỏi bạn cần giúp đỡ gì? PV trả lời muốn được tư vấn để khám phụ khoa.
Trò chuyện qua lại trực tuyến, PV hỏi về vấn đề giá cả, dịch vụ tại phòng khám Mayo, bác sĩ Nga cho biết: "Giá cả khám bệnh rất bình dân. Mỗi lần đi khám khách hàng chỉ mang vài trăm ngàn là có thể khám bệnh và làm các loại xét nghiệm liên quan. Do vậy, khách hàng hãy yên tâm đặt lịch khám bệnh qua điện thoại rồi đến phòng khám để không phải chờ, đồng thời sẽ được miễn phí lần khám đầu tiên".
Theo lời chỉ dẫn của bác sĩ Nga, PV đưa số điện thoại để bác sĩ này liên lạc đặt lịch tới khám. Trước khi dừng cuộc trò chuyện trực tuyến, vị bác sĩ còn nhấn mạnh: “Em yên tâm khi đến phòng khám, toàn bác sĩ chuyên môn tay nghề cao, giá cả rất bình dân, chỉ tương đương với các bệnh viện. Hơn nữa, giá cả khám bệnh và chi phí đều được niêm yết cụ thể tại phòng khám để người bệnh tham khảo em nhé”.
Ngày hôm sau, PV có mặt tại phòng khám Mayo lúc hơn 12h trưa. Một nhân viên hỏi mã số khám bệnh đã được đặt trước qua điện thoại, sau đó bảo PV mua cuốn sổ khám bệnh rồi ghi tên, tuổi. Tiếp đó, cô nhân viên thu tiền xong dẫn PV lên lầu 5 gặp một nữ bác sĩ. Vị nữ bác sĩ khoảng hơn 40 tuổi, khoác áo blouse trắng, không đeo bảng tên, không nói chuyện mà chỉ cười.
Sau đó, người này vẫy tay ra hiệu cho PV vào phòng khám (khi tiếp xúc PV mới biết bác sĩ này là người Trung Quốc nên không nói được tiếng Việt). Lúc này, trong phòng khám diện tích chừng gần 10m2 có một cô gái trẻ, khoảng hơn 20 tuổi, cũng không đeo bảng tên, chỉ mặc áo blouse trắng. Cô gái tự giới thiệu mình là trợ lý phiên dịch cho bác sĩ.
Cùng lúc, vị nữ bác sĩ và cô gái trẻ trao đổi với nhau bằng tiếng Trung Quốc. Nói chuyện khoảng 2 phút, cô trợ lý phiên dịch hỏi PV: “Chị đến khám bệnh phụ khoa phải không? Mời chị lên giường nằm để bác sĩ khám”.
Trong lúc vị nữ bác sĩ người Trung Quốc khám cho PV, cô trợ lý phiên dịch cũng hỏi người bệnh, chị có dấu hiệu bệnh lâu chưa? Chị từng đi khám ở đâu, ai giới thiệu đến đây? PV vừa nằm khám bệnh vừa trả lời xong câu hỏi của phiên dịch thì nữ bác sĩ Trung Quốc cũng khám bệnh xong. Vị nữ bác sĩ khám đưa cho cô trợ lý dụng cụ vừa khám, nói vài câu bằng tiếng Trung Quốc, rồi rời khỏi phòng khám. Cô trợ lý nói với PV: “Bác sĩ đang làm thủ thuật cho bệnh nhân khác ở lầu trên nên phải đi kiểm tra ngay. Bác sĩ nói chị bị nhiễm khuẩn vùng kín, do vậy chị khó có thai được. Bây giờ chị phải làm xét nghiệm dịch âm đạo, xét nghiệm nước tiểu để tìm nguyên nhân bệnh...”.
Hù dọa “bệnh rất nguy hiểm”
Nghe cô trợ lý phiên dịch giải thích về dấu hiệu bệnh, PV hỏi chi phí các xét nghiệm như thế nào? Cô này trả lời: “Tất cả các xét nghiệm này hơn 1 triệu đồng. Chị xuống dưới đóng tiền xong thì ngồi chờ 30 phút sau lấy kết quả ngay. Giờ em sẽ mang chiếc que có dịch âm đạo này đi xét nghiệm. Rồi chị đi lấy nước tiểu xét nghiệm luôn nhé...”.
PV thấy rõ, với việc khám bệnh qua loa trong vòng hai phút đồng hồ mà mức phí làm xét nghiệm lại quá cao so với bác sĩ tư vấn trực tuyến nên tỏ ra phân vân. Cảm nhận nỗi lo của PV, cô trợ lý phiên dịch vừa đi ra khỏi phòng bệnh vừa nói: “Em dẫn chị đi đóng tiền nhé, mấy phút sau có kết quả ngay. Chị làm nhanh lên, vì bệnh chị không để lâu được đâu. Bác sĩ cũng đang kín lịch làm việc”.
Khi cô gái trẻ dẫn PV xuống tới quầy thu viện phí, PV hỏi: “Hôm qua bác sĩ Nga tư vấn trên mạng nói em đã đặt lịch khám qua điện thoại trước thì được miễn phí lần đầu. Còn các xét nghiện khác chỉ vài trăm ngàn. Bệnh nhân đến sẽ có bảng niêm yết giá. Chị cho em xem bảng giá trước để hôm sau tới khám lại. Nay em mang không đủ tiền”.
Cô trợ lý phiên dịch tỏ thái độ không hài lòng đáp: “Bảng niêm yết giá chị muốn biết phải đóng tiền, nhân viên mới xuất phiếu thu thì mới có giá cả. Còn bây giờ chị chưa đủ tiền, chị có bao nhiêu cứ đóng, còn lại phòng khám cho nợ. Khi nào đủ tiền đến lấy kết quả xét nghiệm để điều trị...”. Không kịp để PV trả lời, cô nhân viên tiếp tục thuyết phục: “Chị mang mấy trăm thì cứ đóng đi, còn thiếu tiền thì phòng khám cho nợ mà...”.
Tiếp đó, cô này hỏi PV có quen ai làm việc gần phòng khám Mayo không thì điện thoại vay tiền để họ mang đến. Hoặc có thẻ ngân hàng cũng được, ở phòng khám có máy cà thẻ nhanh chóng, không cần phải đi rút tiền. Trước những gợi ý và lý lẽ đầy thuyết phục người bệnh của cô trợ lý, PV đã đồng ý đóng tiền trước vài trăm ngàn. Số tiền còn nợ sẽ gọi điện thoại cho bạn đưa thẻ ngân hàng tới mượn để cà thẻ cho đủ số tiền khám bệnh để lấy kết quả.
Vừa cà thẻ ngân hàng xong, cô trợ lý đưa cho PV một phiếu thu tiền với 3 mục: Siêu âm (giảm 50% còn 140.000 đồng); Kiểm tra 300.000 đồng; Xét nghiệm (giảm 20 % còn 792.000 đồng). Tổng số tiền thu xong là 1.232.000 đồng, cô trợ lý phiên dịch dẫn PV trở lên phòng chờ khám bệnh trước đó. Khoảng 15 phút sau, vị bác sĩ Trung Quốc khám lúc đầu đi vào phòng tư vấn bệnh cùng cô trợ lý phiên dịch cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm kết quả khám bệnh của PV.
Hai người này lại giao tiếp một đoạn hội thoại dài bằng tiếng Trung Quốc, sau đó cô trợ lý dịch bằng tiếng Việt về tình trạng bệnh của PV. Theo đó, PV mắc bệnh viêm âm đạo, phải điều trị bằng 3-5 liệu trình tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Mỗi liệu trình hết khoảng 1 giờ đồng hồ (truyền như truyền nước biển). Tổng một chu trình chữa bệnh trong vòng 3- 5 ngày liên tục. Mỗi lần điều trị khoảng 1 triệu đồng.
Không dừng lại, cô trợ lý dịch lời bác sĩ nói về những nguy hiểm của loại bệnh mà PV đang mắc nếu không chữa ngay sẽ rất nguy kịch: “Với loại bệnh viêm âm đạo rất nguy hiểm, để lâu sẽ có khả năng vô sinh, đồng thời dẫn đến viêm cổ tử cung, ung thư cổ tử cung... Khi mắc loại bệnh này nếu không chữa trị gấp sẽ gặp biến chứng nhanh, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng…”.
Mập mờ tư vấn lừa người bệnh PV tiếp tục lên mạng vào các thời điểm khác nhau để gặp nhân viên tư vấn trực tuyến của phòng khám Mayo hỏi về chi phí dịch vụ khám bệnh. Tất cả nhân viên đều lấy danh bác sĩ và có chung công thức tư vấn: Giá cả bình dân như các bệnh viện, dù vậy bệnh nhân nên mang dư tiền không dùng hết thì mang về, phòng khám có bảng giá chi phí khám bệnh niêm yết sẵn, khách hàng hãy đặt lịch qua điện thoại trước để được miễn phí khám lần đầu... |
Huệ Trần
(Còn nữa....)