Theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 23/7/2012 số cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 13 cơ sở. Trước đó tổng số phòng khám có yếu tố nước ngoài đã được Sở Y tế cấp phép là 35 cơ sở. Như vậy đã có 22 cơ sở ngừng hoạt động. Gần đây nhất là ngày 16/7, Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của Phòng khám Đa khoa Maria để điều tra vụ bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong (SN 1978, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) tử vong tại phòng khám này.
Ông Nguyễn Khắc Hiền (người đứng), giám đốc Sở Y tế Hà Nội trả lời báo chí chiều 24/7.
Cũng theo báo cáo thống kê thì phòng khám Maria đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 4 lần với tổng số tiền là 42,5 triệu đồng vì các hành vi vi phạm như: Quảng cáo giới thiệu phòng khám không đúng với nội dung đăng ký đã được phê duyệt; Có niêm yết giá dịch vụ nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết và thu tiền một số dịch vụ khi chưa niêm yết giá; Ghi chép sổ khám bệnh không đầy đủ…
Liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong tại Phòng khám Đa khoa Maria, bà Trần Thị Nhị Hà - Trưởng phòng Hành nghề Y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho hay: "Vụ việc không liên quan đến 2 bác sĩ có quốc tịch Trung Quốc là Lôi Hồng và Hoàng Đình Lập đã được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề mà liên quan đến 3 bác sĩ người Trung Quốc khác. Theo bản giải trình của phòng khám Maria gửi cho chúng tôi thì 3 bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc trực tiếp khám chữa bệnh cho chị Nguyễn Thị Thu Phong đều không có giấy phép hành nghề của Sở Y tế cấp. Ba bác sĩ đó là Châu Kiện Kiều, Đặng Cẩm Chi và Chương Lệnh Công.“
Nếu giải trình trên của phòng khám Maria là đúng thì cũng đủ để thấy rằng phòng khám này rất coi thường luật pháp cũng như tính mạng bệnh nhân khi để cả kíp trực toàn là các bác sĩ chưa được cấp phép. Phòng khám Maria đã vi phạm 4 lần nhưng đến nay thì Sở Y tế cũng chưa khẳng định là có tước giấy phép hay không mà chỉ tạm đình chỉ để tiến hành điều tra bởi việc thu hồi giấy phép theo Sở Y tế là phải làm theo đúng luật quy định.
Bà Hà cũng cho biết, hiện tại cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra nguyên nhân cái chết của chị Phong cũng như điều tra các giải trình của phòng khám Maria. Toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân Phong hiện tại cơ quan cảnh sát điều tra đang niêm phong để phục vụ công tác điều tra. Trách nhiệm của những người liên quan vụ việc này thì phải chờ kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định về mặt trách nhiệm rằng: hoạt động kinh doanh khám chữa bệnh là hoạt động kinh doanh có điều kiện, người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của cơ sở mình. Trách nhiệm của ngành y tế chỉ là trong hoạt động quản lý và hậu kiểm.
Từ vụ việc phòng khám Maria với giá dịch vụ cắt cổ nhưng để các bác sĩ chưa có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiều người mới giật mình ngẫm nghĩ liệu câu nói "Tiền nào của nấy" có đúng trong dịch vụ y tế không?
Theo khoản 5 Điều 88 Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo dư luận đánh giá thì giá dịch vụ y tế thả nổi như thế là không ổn. Bởi hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước luôn ở trong tình trạng quá tải buộc người dân phải tìm đến các cơ sở tư nhân với giá không dễ chịu chút nào. Người dân có quyền lựa chọn dịch vụ cho mình nhưng một khi tất cả cơ sở y tế đồng loạt nâng giá lên thì người dân cũng không có cơ hội để lựa chọn chỗ nào rẻ hơn, tốt hơn. Mà lúc có bệnh thì vái tứ phương, bắt buộc phải chữ dù giá có đắt. Vì vậy rất cần sự điều tiết từ cơ quan quản lý về giá cũng như chất lượng dịch vụ y tế của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Ngọc Linh