Phòng khám tư đâu phải con kiến mà sở Y tế Hưng Yên không biết?

Phòng khám tư đâu phải con kiến mà sở Y tế Hưng Yên không biết?

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 7, 22/07/2017 06:29

Sau vụ trẻ mắc sùi mào gà ở Hưng Yên, nhiều người không hiểu vì sao, cơ sở y tế tư nhân đâu phải con kiến để có thể... “chui” qua mắt sở Y tế địa phương, hoạt động không phép thời gian dài như vậy?

Thời gian gần đây, hàng chục trẻ ở Khoái Châu, Hưng Yên bị sùi mào gà. Nghi vấn nguyên nhân có thể do các bé trai cùng đến cắt bao quy đầu tại một cơ sở y tế tư nhân. Cơ sở do 1 y sĩ đang công tác tại trạm Y tế xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên làm chủ.

Cơ sở này chưa được cấp phép hoạt động và theo quy định, bản thân y sĩ không được phép thực hiện các kỹ thuật nói trên. Đáng nói, cơ sở đã bị phát hiện không phép từ tháng 12/2016 nhưng vẫn hoạt động cho đến thời điểm nhiều trẻ bị sùi mào gà sau khi khám tại đây bị phát hiện.

Một lần nữa, vấn đề về chất lượng cũng như quy trình, giấy phép hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trở thành mối nghi ngại.

Bên cạnh đó, thông tin từ bộ Y tế cho hay, cả nước hiện có 206 bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám tư nhân.

Qua kiểm tra, bộ Y tế phát hiện một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư còn vi phạm quy định về pháp luật khám, chữa bệnh như: Mời bác sĩ người nước ngoài làm việc khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam... 

Trước thực trạng này, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Chỉ thị số 04/CT-BYT về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân.

Xã hội - Phòng khám tư đâu phải con kiến mà sở Y tế Hưng Yên không biết?

Phòng khám tư ở Hưng Yên, nơi gia đình bệnh nhân tố cáo đã thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu cho con em của họ. (Ảnh: VTC.VN).

Bàn về chất lượng các cơ sở y tế tư nhân hiện nay, GS.TS. Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam cho hay, việc mở phòng khám tư đã có từ lâu và được Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, khi đã cho phép phải kiểm tra cơ sở đó có đủ điều kiện để mở và hoạt động hay không. Thực tế cho thấy, bên cạnh những cơ sở chất lượng vẫn còn nhiều phòng khám “chui” cả lĩnh vực Đông y lẫn Tây y.

Một vấn đề đáng bàn được GS. Đặng Hanh Đệ đưa ra là yếu tố bác sĩ nước ngoài trong các cơ sở y tế tư nhân. "Có cơ sở đầy đủ giấy phép nhưng bác sĩ nước ngoài không đủ điều kiện hoạt động. Lúc đó, người đứng ra mở cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm và trả lời cả câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Trách nhiệm ở đây thuộc về thanh tra sở Y tế địa phương. Bởi lẽ, cơ sở y tế tư nhân đâu phải con kiến để có thể... “chui” lọt sự giám sát của cơ quan chức năng", GS. Đệ nói.

Ở một góc độ khác, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhìn nhận: Các cơ sở y tế tư nhân hiện nay đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển.

“Tuy nhiên, sự phát triển của y tế tư nhân đang nảy sinh vấn đề về quản lý cấp giấy phép hoạt động cũng như yếu tố người nước ngoài. Cần quản lý nghiêm khắc hơn nữa, bởi lẽ, đã từng có những bệnh nhân tử vong tại cơ sở y tế tư nhân do bác sĩ người nước ngoài trực tiếp điều trị; hay những rủi ro trong y học tại cơ sở y tế không đủ điều kiện hoạt động...”, GS.TS. Nguyễn Anh Trí nhìn nhận.

Được biết, bản thân GS.TS. Nguyễn Anh Trí từng kiến nghị bộ Y tế cần có vụ Quản lý y tế tư nhân để siết chặt sự phát triển của các cơ sở kiểu này. Sự phát triển mau lẹ phải gắn với việc thường xuyên được chỉnh đốn, bởi đã có những vấn đề phát sinh trong chính sự quản lý.

Cùng bàn về vấn đề này, luật sư Phạm Công Út, Giám đốc công ty Luật Phạm Nghiêm, đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Chủ trương xã hội hóa ngành y tế đã được xã hội đồng tình. Hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân phát triển như “nấm” phản ánh nhu cầu lớn của người bệnh. Họ không muốn xếp hàng dài, nằm 2 - 3 người chung 1 giường bệnh, điều trị ở bệnh viện với trang thiết bị y tế lạc hậu, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân không tốt... Những điều này khiến người dân không an tâm.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám chữa bệnh không phép, đặc biệt là phòng khám Đông y ở khu vực phía Bắc đã được phát hiện và xử phạt.

“Trách nhiệm quản lý ở đây thuộc về sở Y tế địa phương và chính quyền sở tại, nơi có cơ sở y tế tư nhân hoạt động. Họ chịu trách nhiệm khi để những loại hình khám chữa bệnh tư nhân không giấy phép hoạt động, trưng bảng hiệu to, hoành tráng, thu hút nhiều người tới khám chữa bệnh”, luật sư Út nhấn mạnh.

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.