Trong sự cố xảy ra ở Libya tháng trước, đã có những câu hỏi đặt ra về năng lực của hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Những rắc rối xảy đến với hệ thống phòng không Pantsir S1 ở Libya bắt đầu khi cuộc tấn công của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) chống lại Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thất bại.
Thất bại ở Libya
Được cung cấp bởi các đồng minh vào năm ngoái, hệ thống của Nga được LNA sử dụng như một con át chủ bài chống lại các hoạt động của máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, sau cuộc phản công lớn của GNA vào tháng trước, cũng như việc lực lượng này chiếm lại căn cứ không quân chiến lược Al-Watiya và các vùng ngoại ô quan trọng ở Tripoli, dường như hệ thống Pantsir S1 đã gặp những vấn đề về độ tin cậy.
Các nguồn tin mở ước tính rằng có tới 9 đơn vị Pantsir đã bị vô hiệu hóa sau các cuộc tấn công của UAV Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 vừa qua, với các đoạn video quay lại Pantsir bị tấn công lan truyền trên mạng xã hội .
Thậm chí, một hệ thống Pantsir đã bị lực lượng GNA chiếm giữ như chiến lợi phẩm. Có suy đoán cho rằng chiếc Pantsir này sẽ được tháo dỡ để phân tích cho mục đích quân sự, tình báo.
Hệ thống Pantsir S1 được đánh giá là vũ khí phòng không quan trọng vì hai lý do. Đầu tiên, nó là nền tảng mới nhất do Nga phát triển để thực hiện các nhiệm vụ phòng không tầm gần quan trọng. Thứ hai, hệ thống được coi là một mặt hàng xuất khẩu quốc phòng thâm nhập vào các thị trường quan trọng về mặt địa chính trị.
Với sự ra đời và phổ biến của các máy bay không người lái chiến đấu, nhiệm vụ phòng không tầm gần ngày càng trở nên quan trọng hơn trên chiến trường hiện đại. Về mặt lý thuyết, thiết kế của hệ thống có vẻ phù hợp với nhiệm vụ như vậy.
Pantsir S1 được Nga vận hành như một phần của học thuyết phòng không phân lớp, hỗ trợ các hệ thống tầm xa hơn như S-400.
Chính vì rất coi trọng Pantsir S1 mà Nga đã nâng cấp nhiều lần các biến thể mới của tổ hợp này, tăng cường thêm các vũ khí hiện đại.
Do năng lực khá tốt và mức giá dễ tiếp cận vào khoảng 15 triệu USD/chiếc, Moscow đã tận dụng hệ thống như một mặt hàng xuất khẩu quốc phòng hàng đầu trong hai thập kỷ qua.
Cho tới nay, Nga đã xuất khẩu Pantsir S1 tới ít nhất 11 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường có ý nghĩa địa chính trị quan trọng - UAE, Iraq, và gần đây nhất là ứng cử viên gia nhập EU là Serbia, bất chấp các nguy cơ trừng phạt của Mỹ.
Độ tin cậy
Mặc dù thành công với vai trò sản phẩm xuất khẩu, nhưng hiệu quả hoạt động của hệ thống trước UAV lại đang bị đặt ra những dấu hỏi.
Tổn thất đầu tiên của quân đội Syria liên quan Pantsir S1 xảy ra vào tháng 4/2018 và một lần nữa vào tháng 1/2019, khi Israel tiến hành các cuộc tấn công Iran vào sâu trong lãnh thổ Syria.
Trong cả hai trường hợp, Israel đã công bố các đoạn video ghi lại cảnh khắc chế hệ thống. Điều này không khiến giới quan sát ngạc nhiên, bởi năng lực của Pantsir S1 cũng khó có thể ngăn cản sức mạnh không quân cấp cao của Israel, nhưng điều đáng chú ý là máy bay không người lái Harop của Israel được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công.
Vào năm 2018, hệ thống này đã bị tấn công một lần nữa khi lực lượng Nga tiến hành phản kháng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Khmeimim.
Có những thông tin cho rằng Nga đã nhận ra khả năng hoạt động không tốt của hệ thống trước các cuộc tấn công UAV theo dạng “bầy đàn”. Đến năm 2019, Moscow nhận thấy cần phải nâng cấp tổ hợp Pantsir S1 để chống lại máy bay không người lái tốt hơn dựa trên kinh nghiệm thu được ở Syria.
Cuộc thử nghiệm quy mô lớn đầu tiên đối với Pantsir S1 chống lại máy bay không người lái diễn ra vào năm 2020 trong trận chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm ở Idlib.
Trong suốt cuộc xung đột, máy bay không người lái chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ song song với khả năng tác chiến điện tử đã vượt qua lực lượng phòng không Syria với những thiệt hại ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, dù là trường hợp ở Syria hay Libya, giới phân tích lưu ý rằng năng lực của một hệ phòng không chỉ phát huy tối đa khi có kíp vận hành được đào tạo tốt. Rõ ràng, khả năng vận hành tác chiến của các lực lượng Libya và Syria không thể so sánh với khả năng tác chiến của quân đội chuyên nghiệp hiện đại.
Sau sự cố đối với Pantsir S1 ở Libya, có thể thấy rằng hệ thống của Nga không phải là một vũ khí thay đổi cuộc chơi về khả năng phòng không tầm ngắn, cũng như không phải là một biện pháp phòng thủ đáng tin cậy trước các hoạt động UAV quy mô lớn.
Những hình ảnh Pantsir S1 bị vô hiệu hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của vũ khí Nga trong cộng đồng quốc phòng nhiều năm tới.
Tuy nhiên, rõ ràng là quân đội Nga đã có những nhận thức tốt về vai trò của máy bay không người lái trên chiến trường. Moscow chắc chắn sẽ kiểm tra hiệu suất hoạt động của Pantsir và nỗ lực cải thiện khả năng thông qua các phiên bản và biến thể mới.
Với sự phổ biến hiện tại của hệ thống trên khắp thế giới, Pantsir sẽ tiếp tục là vũ khí thường thấy trên các chiến trường trong tương lai.