Sáng 13/3, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, tối 12/3, Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT) thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về triển khai các giải pháp cấp bách đảm bảo trật tự ATGT đã trực tiếp hướng dẫn cho tài xế cách xử lý sự cố phương tiện trên cao tốc, và dán phản quang cho xe tại khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT) khuyến cáo và đề nghị người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của luật giao thông đường bộ, như tránh, vượt xe đúng quy định, đi đúng phần đường, làn đường, chạy đúng tốc độ quy định, không vi phạm nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện…
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải nên dán giấy phản quang vào phía sau phương tiện (phần đuôi xe), đảm bảo vừa thẩm mỹ và dễ nhận biết cho các phương tiện đi phía sau.
Theo đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các tài xế được thực hiện tại khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Lực lượng CSGT dừng, kiểm tra vi phạm nồng độ cồn với các tài xế, sau đó phát tờ rơi khuyến cáo và đề nghị người điều khiển, chủ phương tiện trang bị phản quang, vật dụng cảnh báo trên xe.
Tài xế Vũ Tiến Phong (trú tại Vụ Bản, Nam Định) tỏ ra rất hào hứng khi được CSGT hướng dẫn đặt chóp nón cảnh báo khi phương tiện gặp sự cố trên đường. "Được CSGT trực tiếp hướng dẫn, thực hành, tôi thấy các thiết bị cảnh báo đơn giản mà phát huy hiệu quả rất tốt, nhất là khi đêm tối. Sau hôm nay, tôi sẽ trang bị cho xe của mình một bộ 3 chóp nón", tài xế Phong cho hay.
Được biết, trong tối cùng ngày, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã hướng dẫn cho hơn 100 tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải (xe tải, xe khách) đi vào tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn - QL45 về cách xử lý tình huống khi phương tiện gặp sự cố trên cao tốc, đồng thời dán phản quang cho xe.
Trao đổi với lực lượng CSGT, tài xế Phạm Xuân Thiệp (Công ty vận tải Trường Sơn) cho biết, bản thân anh nắm được các kỹ năng xử lý sự cố phương tiện trên cao tốc nhưng việc trang bị sẵn các vật cảnh báo như: Phản quang, chóp nón... trên xe thì chưa có.
"Để cảnh báo, tôi chỉ biết bẻ cành cây, dùng xô hoặc va li của hành khách đặt ra đường, còn việc để với khoảng cách bao xa, như thế nào là đạt chuẩn thì tôi chưa nắm được", tài xế Phạm Xuân Thiệp nói.
Cán bộ, chiến sĩ của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Cục CSGT) đã dán phản quang miễn phí cho xe của tài xế Phạm Xuân Thiệp, đồng thời, hướng dẫn các biện pháp an toàn để đặt cảnh báo khi phương hư hỏng.
Tài xế Phạm Xuân Thiệp cho biết, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn thì bản thân anh sẽ đề xuất giám đốc công ty trang bị vật cảnh báo cho tất các phương tiện của nhà xe.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 3, Cục CSGT (Bộ Công an) trao đổi với tạp chí Giao thông Vận tải: Đội 3 phụ trách 4 đoạn tuyến cao tốc, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Cao Bồ, Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL45. Trong số các tuyến này, có 2 tuyến đã được đầu tư đồng bộ đủ 6 làn xe cao tốc, 2 tuyến từ Cao Bồ đi QL45 đầu tư phân kỳ, mới có 2 làn xe mỗi bên và mới được đưa vào khai thác.
"Đoạn tuyến mới hiện vẫn chưa có đơn vị trực tiếp quản lý nên công tác điều hành đảm bảo giao thông, hỗ trợ phương tiện khi có sự cố, tai nạn vẫn chủ yếu do lực lượng CSGT của Đội 3 đảm nhiệm. Trên tuyến hiện đã có đặt biển, chạy thông tin trên màn hình led tại các trạm thu phí để thông báo số điện thoại đường dây nóng của trực ban Cục CSGT để người dân có thể liên hệ khi xảy ra các tình huống ngoài ý muốn.
Đối với các xe đi trên cao tốc, đặc biệt là cao tốc mới, trong trường hợp gặp sự cố, cần lưu ý thực hiện đúng theo quy trình sau để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông xung quanh", Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng nói và chia sẻ quy trình cụ thể khi xe gặp sự cố trên tuyến cao tốc, không di chuyển vào nơi an toàn được.
Theo đó, xe gặp sự cố ban ngày, trường hợp nếu chỉ có một mình tài xế thì ngay lập tức quan sát gương chiếu hậu và gương hai bên, xuống xe đứng ra phía sau xe chọn vị trí an toàn theo hướng xe khác đi tới, dùng chóp hình tam giác đặt cảnh báo. Nếu không có dùng các vật dụng trên xe có màu sắc dễ nhìn để đặt phía sau cho các phương tiện khác biết (khoảng cách tối thiểu 50m).
Nếu trên xe chở nhiều người thì yêu cầu mọi người hỗ trợ cảnh báo và đặt cảnh báo cho phương tiện khác biết vật dụng hình chóp nón, màu sắc nổi bật dễ nhận biết (khoảng cách từ đuôi xe đến phía sau hướng xe khác đi tới tối thiểu 50m) và yêu cầu mọi người đi ra khỏi đường cao tốc cho an toàn.
Nếu xe gặp sự cố ban đêm mà đang chở nhiều người, lái xe nhanh chóng quan sát gương chiếu hậu, gương hai bên để xuống xe dùng đèn pin đi ra phía sau hướng xe khác đang đi tới báo hiệu và nhờ mọi người trên xe đặt chóp nón hình tam giác phản quang hoặc các vật dụng khác có màu sắc dễ phát hiện, cùng mình đặt cảnh báo, sau đó gọi cứu hộ và yêu cầu mọi người ra khỏi cao tốc.
Trường hợp khi xe gặp sự cố còn di chuyển chậm được vào nơi an toàn, lái xe chú ý quan sát gương chiếu hậu, gương 2 bên thấy an toàn thì cho xe vào làn dừng khẩn cấp hoặc dải dừng xe khẩn cấp, đặt cảnh báo an toàn phía sau xe, gọi cứu hộ để giúp khắc phục hoặc đưa xe ra khỏi đường cao tốc.
Thượng tá Phạm Đức Đông - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông vào khung giờ từ 19h - 6h, nhất là các cung đường cong cua, hạn chế tầm nhìn và một số tuyến đường cao tốc chưa bố trí làn dừng xe khẩn cấp và chưa trang bị, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.
"Để hạn chế tai nạn giao thông, chúng tôi khuyến cáo người điều khiển, chủ xe trang bị các công cụ hỗ trợ để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh báo cho các phương tiện khi gặp sự cố. Đồng thời, tuyên truyền cho chủ các hãng kinh doanh vận tải trang bị cho tài xế, phụ xe các loại áo phản quang để mặc khi xuống sửa xe trong buổi tối, trời có sương mù", Thượng tá Phạm Đức Đông nói.
Cũng theo Thượng tá Phạm Đức Đông, về lâu dài, Cục CSGT sẽ có đánh giá tác động của việc trang bị công cụ hỗ trợ như phản quang, chóp nón... để nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào các quy định vào luật. Nhất là tới đây sẽ bổ sung vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với các quy định như: Dán phản quang ở đuôi xe, trang bị trên xe thiết bị cảnh báo.
Cục CSGT đề nghị các chủ xe trang bị cho mỗi phương tiện tối thiểu 3 chóp nón hoặc 3 biển tam giác phản quang. Khi gặp sự cố, các tài xế đặt ngay chóp nón hoặc biển tam giác phản quang phía sau xe, để cảnh báo với khoảng cách tối thiểu 50m trên quốc lộ và 100m trên tuyến cao tốc.
"Các chủ xe cần trang bị cho lái xe, phụ xe áo phản quang để mặc khi xử lý sự cố trên đường vào thời điểm trời tối, sương mù và ban đêm", đại diện Cục CSGT nói thêm.
Quỳnh Chi (Tổng hợp)