Phong thủy của mộ tổ phó tổng thống Trung Hoa

Phong thủy của mộ tổ phó tổng thống Trung Hoa

Thứ 5, 27/12/2012 23:55

Làm quan tới chức quyền Tổng thống, những năm cuối đời lại được một nữ diễn viên xinh đẹp vào loại có tiếng bầu bạn, bề ngoài, cuộc đời của Lý Tông Nhân dường như rất viên mãn.

Thế nhưng mộng Tổng thống không thành phải chạy ra nước ngoài, cuối đời trở về Trung Quốc lại bị hành hạ tàn khốc bởi cuộc Đại Cách mạng văn hóa và lúc nào cũng đau đáu nỗi đau không người nối dõi.

Có thể nói, đằng sau vẻ ngoài vinh quang và viên mãn, cuộc đời của Lý Tông Nhân là những bi kịch khó có thể nói hết được. Kết cục này, theo các nhà phong thủy bắt nguồn từ chính ngôi mộ tổ của vị phó tổng thống họ Lý này…

1. Lý Tông Nhân sinh năm 1891 tại Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 1908, Lý thi vào trường tiểu học lục quân Quế Lâm khóa thứ 3.

Tại đây, mặc dù có thân hình nhỏ bé, nhưng cậu thanh niên 18 tuổi họ Lý lại tỏ ra vô cùng dũng mãnh vì vậy, được các bạn cùng lớp đặt cho biệt hiệu là “Lý Mãnh Tử”.

Khi thảo phạt quân phiệt Long Tề Quang, Lý Tông Nhân bị đạn bắn sượt qua gò má, vỡ cả răng, tuy nhiên, Lý Tông Nhân nhổ hết những mảnh răng vỡ ra ngoài rồi tiếp tục chiến đấu. Khi đem quân chiến đấu ở Hồ Nam, bị súng của quân địch bắn trúng vào hông gục xuống đất nhưng Lý Tông Nhân miệng vẫn hô xung phong.

Vì thế, những người theo binh nghiệp đều biết tiếng và sợ Lý, gọi Lý bằng biệt hiệu Lý Thiết Ngưu (con trâu sắt họ Lý).

Nhờ sự dũng mãnh, không ngại bất cứ nguy hiểm nào kể cả đối với tính mạng của mình vì vậy, từ chức trung đội trưởng năm 24 tuổi, 6 năm sau đó, Lý Tông Nhân đã trở thành tư lệnh của quân đoàn số 3 thuộc lực lượng biên phòng hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

Tới tháng 11 năm 1924, nhờ những chiến công trong quân đội, Lý Tông Nhân được Tôn Trung Sơn phong làm quân trưởng quân đoàn một của lục quân Quảng Tây. Sau khi Quảng Tây thống nhất, Lý Tông Nhân trở thành lớp lãnh đạo đầu tiên ở tỉnh này.

Thế giới - Phong thủy của mộ tổ phó tổng thống Trung Hoa

Lý Nhân Tông

Năm 1926, Lý Tông Nhân là một trong những người khởi xướng cuộc chiến tranh bắc phạt.

Làm tư lệnh quân đoàn số 7, Lý dẫn quân tới đâu là đánh thắng tới đó, vì vậy danh tiếng ngày một vang xa, quân đoàn của Lý cũng được mệnh danh là “Quân đoàn thép”. Vào thời điểm đó, danh vọng của Lý Tông Nhân lên đến đỉnh điểm.

Với Tưởng Giới Thạch, Lý Tông Nhân là chiến hữu đồng thời cũng là đối thủ. Tháng 3 năm 1929, sau khi cuộc chiến tranh giữa Tưởng Giới Thạch và lớp lãnh đạo mới của Quảng Tây do Lý Tông Nhân đứng đầu nổ ra.

Kết quả quân của Lý thất bại, Lý chạy ra Hồng Kông nhưng ngay trong năm đó lại quay trở về làm tư lệnh của quân Hộ đảng cứu quốc, chống lại Tưởng Giới Thạch.

Năm 1930, Lý Tông Nhân liên hợp với Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn chống lại Tưởng, phát động chiến tranh ở Trung Nguyên. Tuy nhiên, Lý lại thất bại một lần nữa, phải quay trở về giữ Quảng Tây.

Năm 1931, Lý Tông Nhân hợp tác với Trần Tề Đường ra thống cáo buộc Tưởng Giới Thạch phải từ chức, đồng thời thành lập một chính phủ chống lại Tưởng Giới Thạch ở Quảng Châu.

Tới tháng 9 năm 1931, sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa quân đội Đông Bắc Trung Quốc với quân Quan đông của Nhật Bản, Lý Tông Nhân và Bạch Tông Hỷ hợp lực lui về giữ Quảng Tây. Tới năm 1936, Lý Tông Nhân lại một lần nữa tổ chức cuộc vận động chống lại Tưởng Giới Thạch tuy nhiên vẫn thất bại.

Sau khi cuộc chiến tranh chống Nhật kết thúc, nhờ tham gia rất nhiều chiến dịch và lập được không ít chiến công, tháng 4 năm 1948, Lý Tông Nhân được bầu làm phó tổng thống Trung Hoa dân quốc. Tháng một năm sau đó, do Tưởng Giới Thạch từ chức, Lý Tông Nhân được cử lên làm quyền tổng thống.

Tháng 4 năm 1949, quân đội Cộng sản Trung Quốc vượt Trường Giang tấn công quân Quốc dân đảng, kế hoạch “chia đôi giang sơn” của Lý Tông Nhân bị phá sản, giấc mộng Tổng thống của Lý Tông Nhân cũng chấm dứt.

Sau thất bại của Quốc dân đảng, Lý Tông Nhân bỏ chạy sang Mỹ tuy nhiên tới năm 1965, Lý quay trở lại Trung Quốc đại lục. Cuộc sống cuối đời của Lý cũng không mấy suôn sẻ.

Trở về Trung Quốc đúng vào thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng văn hóa, Lý Tông Nhân đã phải chịu không ít sự hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác vì quá khứ “lừng lẫy” trong quân đội Quốc dân đảng của mình.

2. Cho tới nay, cuộc đời của Lý Tông Nhân vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người nói rằng, làm tới chức tổng thống, cuối đời, lại được một nữ diễn viên vào loại xinh đẹp bậc nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ làm bầu bạn, cuộc đời của Lý Tông Nhân có thể nói là viên mãn.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài vinh quang và viên mãn ấy là những bi kịch mà Lý không thể nói với ai được. Những bị kịch ấy, theo các nhà phong thủy là có liên quan chặt chẽ tới phong thủy của ngôi mộ tổ nhà họ Lý.

Theo khảo sát của các chuyên gia phong thủy thì mộ của cụ tổ Lý Tông Nhân nằm ở Nam Xà Xung, thôn Sơn Khẩu thị trấn Lưỡng Giang, Quế Lâm, Quảng Tây. Sở dĩ nơi đặt mộ của nhà họ Lý gọi là Nam Xà Xung vì địa hình xung quanh giống như một con rắn đang trườn.

Nam xà quấn quanh, bố cục này bản thân nó đã là một điềm lành, Thanh Long và Bạch Hổ cùng nhau quấn quanh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là bên trong huyệt lại rất hẹp, không rộng rãi, thoáng đãng, hướng ra vào cũng không rõ ràng. Sách “Táng thư” có viết rằng: “Rắn uốn lượn là điềm hung hiểm”.

Rắn là loài hung dữ, vì vậy, đất có hình rắn nếu như không có sự phối hợp phù hợp của những ngọn núi xung quanh thì chắc chắn sẽ tổn thương tới bản thân hoặc những người thuộc họ hàng của mình.

Tính chất của Nam Xà lại càng hung hiểm hơn, có thể khiến bố cục vốn là nơi tàng phong tụ khí trở thành nơi hung hiểm, mang lại tai họa ngoài ý muốn cho chủ nhân của nó, chẳng hạn như đoản thọ, hoặc không có người nối dõi.

Vì vậy, trước nay khi chọn vị trí có bố cục Nam Xà, dù là người uyên thâm nhất về phong thủy cũng phải rất cẩn thận.

Như vậy, nơi đất hình rắn cuộn nếu như không có sự bổ cứu thì chắc chắn sẽ khó thoát khỏi hiểm họa. Vậy nơi đặt mộ tổ của nhà họ Lý có sự bổ cứu này hay không?

Theo các nhà phong thủy, mộ tổ nhà họ Lý không những không có sự bổ cứu này mà ngược lại việc xây dựng nhà ở ngay phía đối diện ngôi mộ còn khiến bố cục phong thủy của nó trở nên xấu hơn. Nơi ở cũ của Lý Tông Nhân nằm ở dưới chân núi Thiên Mã Sơn, đối diện với ngôi mộ cụ tổ nhà họ Lý.

Bên trái của căn nhà là dãy núi đá Cổ Định Sơn hình dạng giống như một chiếc trống sử dụng trong chiến tranh thời xưa, phía bên phải là một ngọn núi đá khác có đỉnh hình tròn tên là Tiêu Gia Sơn, có hình dáng giống như một lá cờ.

Nhiều người mới nhìn bố cục này, cho rằng, một bên là trống, một bên là cờ, ngôi nhà của Lý Tông Nhân có thể nói là có được thế đại cát.

Và vì vậy, binh nghiệp lẫy lừng của Lý Tông Nhân hoàn toàn là nhờ vào phong thủy của tòa nhà này. Thực tế, nếu để ý kỹ, sẽ thấy bố cục phong thủy của tòa nhà cũ của Lý Tông Nhân không những không phải là đại cát mà còn ẩn chứa không ít sự hung hiểm.

Căn nhà của họ Lý dựa vào núi Thiên Mã Sơn, trái là trống, phải là cờ, bề ngoài nhìn là bố cục phong thủy tốt. Tuy nhiên, thực tế bố cục đó là sự triều ứng đối với ngôi mộ tổ của họ Lý chứ không phải căn nhà.

Ngoài ra, do căn nhà xây quá gần núi nên dù là ở vào vị trí lưng ngựa song nếu như không có một chiếc ao hoặc hồ ở phía trước để cản bớt hung khí thì nhà này sẽ không thể ở được. Nếu cưỡng cầu thì hại nhiều hơn lợi.

Thế giới - Phong thủy của mộ tổ phó tổng thống Trung Hoa (Hình 2).

Vị trí đất mộ

Điều đáng tiếc là nhà của họ Lý lại không hề có chiếc ao hay hồ nào phía trước. Vì vậy, bản thân vị trí của căn nhà này đã rất xấu.

Ngoài ra, sách “Táng thư” cũng có nói rất rõ rằng, nơi núi đá là nơi không thể đặt mộ. Thế nhưng, cả mộ lẫn nhà ở của họ Lý đều ở cạnh một ngọn núi đá Thiên Mã Sơn. Điều này đã phạm vào đại kỵ của cả việc đặt mộ lẫn xây cất nhà ở.

Những gì đã xảy ra với Lý Tông Nhân đã chứng minh rằng, suy luận của các nhà phong thủy là chính xác. Từ đời cố nội Lý Tông Nhân, đời đời đều độc đinh mãi tới đời ông nội mới có hai người con trai.

Sau khi ông nội Lý Tông Nhân được chôn cất ở dưới chân núi Thiên Mã Sơn, nhờ sự triều ứng của bố cục phong thủy của hai dãy núi đá hình trống và cờ ở hai bên phải trái, cha của Lý Tông Nhân sinh được rất nhiều con trai.

Điều đáng tiếc là, do phạm vào điều cấm kỵ trong phong thủy, những người anh em của Lý Tông Nhân đều đoản thọ. Cha mẹ của Lý Tông Nhân sinh được 4 người con trai thì người anh cả chết từ khi còn rất nhỏ.

Người em thứ ba của Lý Tông Nhân chết năm 36 tuổi còn người em út chết năm mới 32 tuổi. Sự bất hạnh đối với gia tộc họ Lý chưa dừng lại ở đó.

Lý Tông Nhân là người duy nhất trường thọ trong gia tộc họ Lý, song những người con của ông lại rơi vào cảnh hiếm muộn.

Một trong hai người con của Lý Tông Nhân không có con, người con lại có con nhưng chủ yếu là nữ, chỉ có duy nhất một người con trai. Có thể nói, tới đời con của Lý Tông Nhân, gia tộc họ Lý lại quay trở lại truyền thống “độc đinh” của tổ tiên mình.

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Hải Phong

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.