Phong thủy trong kinh doanh trước hết thể hiện ở việc các lãnh đạo công ty,doanh nghiệp luôn quan tâm tới việc lựa chọn văn phòng, trụ sở làm việc. Đây được coi là việc làm được ưu ái nhất đối với một lãnh đạo khi doanh nghiệp chuyển văn phòng, nơi làm việc. Trong suy nghĩ của một số lãnh đạo, văn phòng làm việc quyết định nhiều đến thành bại của công ty, doanh nghiệp.
Trên thực tế tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều khu nhà cao tầng được sử dụng làm tổ hợp văn phòng, khu mua bán, siêu thị, tầng nào cũng có cửa hàng, quầy hàng, đa số đối diện nhau hoặc nhìn ra cầu thang, băng chuyền, thậm chí còn không có vị trí cụ thể, hàng hóa bày la liệt khắp nơi. Theo quan niệm người Việt, khí không thể sinh trong một không gian văn phòng như vậy.
Có những khu vực do đơn vị chủ quản kinh doanh độc quyền, do đó tất nhiên không có cạnh tranh nên dù trong hoàn cảnh nào, hễ có khách là họ bán được hàng, chỉ có nhiều ít từng thời điểm mà thôi (ví dụ quầy miễn thuế sân bay). Ngoài ra, các đại lý bán vé máy bay, vé tàu hỏa hoặc một số cơ sở kinh doanh bây giờ cũng thường mua bán qua mạng internet, vì thế không cần tài khí, chỉ cần một chỗ ngồi và cái máy tính là kiếm ra tiền. Như vậy điều này là do khí sinh hay do một nguyên nhân nào khác?
Một số tổng công ty, công ty Nhà nước tọa lạc ở những vị trí đắc địa, phong thủy rất đẹp, đang ăn nên làm ra rất hoành tráng nhưng đột nhiên phát hiện ra lãnh đạo thông đồng với kế toán tham nhũng, rút ruột công quỹ, thế là công ty đó rối loạn, sa sút, sập tiệm! Vậy đâu phải phong thủy tốt, tài khí mạnh, tiền tài tự nhiên đến mà không đi?
Vì thế, suy cho cùng doanh nghiệp muốn phát triển mạnh phải biết cách xây dựng văn hóa công ty, xây dựng thương hiệu. Văn hóa công ty tốt, trong sạch, minh bạch, quản lý chất lượng sản phẩm chu đáo sẽ tạo ra sự đoàn kết trong nội bộ và uy tín vang xa, kết hợp với chính sách P.R, quan hệ cộng đồng, trách nhiệm xã hội sẽ làm cho thương hiệu ngày càng nổi tiếng, được khách hàng yêu mến. Khi doanh nghiệp được khách hàng ủng hộ, xã hội trân trọng điều tất yếu sẽ có thêm điều kiện để mở mang cơ sở, đất đai, tuyển thêm nhân lực, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư. Chu kỳ tương sinh cứ thế liên tục vận hành.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp bị thất bại vì không biết tiết chế khi phát triển hoặc ngược lại để xảy ra ứ đọng trì trệ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu say men chiến thắng mà đầu tư phát triển quá nhiều đôi khi làm cho dòng vốn không theo kịp, dẫn đến mất cân đối ngân lưu, phải đi vay nợ làm tăng chí phí, nguồn nhân lực cũng không đủ đáp ứng.
Trong Ngũ hành, Thổ sinh Kim, nhưng khi Kim quá mạnh sẽ hút hết năng lượng của Thổ làm cho Thổ bị tiêu hao dần. Sản xuất mà không tiêu thụ được thì sẽ hút cạn nguồn lực của doanh nghiệp. Nếu Dương Thổ sinh Dương Kim, là sinh hữu tình, thì còn đỡ, vì nguồn lực đang tăng trưởng mạnh nên có tiêu hao một phần cũng chưa đến nỗi nguy cấp. Nhưng nếu Âm Thổ sinh Dương Kim thì rắc rối to, vì đó là sinh vô tình, tức là nguồn lực đang bị giảm sút mà còn bị hao hụt nhanh. Kim khắc Mộc, cho nên Kim mà quá vượng thì đương nhiên Mộc sẽ càng thê thảm, nghĩa là công ty khó mà phát triển được nếu không muốn nói là có khả năng phá sản.
Do đó, khi xảy ra những tình trạng nêu trên, nhà quản trị phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm cách ứng cứu.
TS. Lê Chí Hiếu, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng: Công việc kinh doanh cũng giống như các quy trình khác trong cuộc sống, là tổng hòa các mối quan hệ âm dương (trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Dương tiêu thì Âm trưởng, Âm tiêu thì Dương trưởng. Không có Dương thì không thể có Âm. Không có Âm thì Dương không thể tồn tại) và triết lý ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).
“Mối quan hệ của ngũ hành tốt nhất là đạt đến trạng thái cân bằng, trung hòa. Quá vượng hay quá suy đều không tốt”, TS. Hiếu nói.
Phan An