Ông Trần Bắc Hà và một số thuộc cấp vừa bị cơ quan điều tra bộ Công an khởi tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.
Được biết, các bị can này có những sai phạm liên quan đến việc BIDV cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh vay tiền để triển khai dự án chăn nuôi bò. Sau khi ông Trần Bắc Hà và các thuộc cấp bị khởi tố, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc phong tỏa, thu hồi tài sản như thế nào đối với các bị can này.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Liên quan đến việc thất thoát tài sản nhà nước do ông Trần Bắc Hà và đồng phạm gây ra thì cần phải được làm rõ, minh bạch, phải xác định tài sản thất thoát cụ thể là bao nhiêu, thu hồi như thế nào, ra làm sao…
Đối với những tài sản do các bị can này sở hữu, tùy thuộc vào hậu quả họ gây ra làm thất thoát bao nhiêu thì sẽ tiến hành phong tỏa tài sản tương ứng, nhằm thu hồi triệt để cho Nhà nước. Thậm chí, ngay cả đối với một số doanh nghiệp làm ăn với ông Trần Bắc Hà cũng cần phải xem xét, nếu có liên quan đến việc ông Hà làm thất thoát tài sản Nhà nước thì cũng phải niêm phong tài sản để thu hồi”.
Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Việc kê biên, niêm phong tài sản đối với các đối tượng có chức có quyền vi phạm pháp luật về kinh tế để họ không thể tẩu tán tài sản là một vấn đề hết sức quan trọng đối với cơ quan điều tra, để đảm bảo kỷ cương, đồng thời cũng không để tài sản nhà nước lọt vào túi riêng của những cá nhân này”.
Về việc dư luận đặt câu hỏi “thu hồi tài sản có khả thi hay không?”, Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích: “Tôi cho rằng, thu hồi tài sản có khả thi hay không thì chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan điều tra. Trước hết, cơ quan điều tra phải làm rõ vi phạm của các bị can này dẫn đến thất thoát tài sản của ngân hàng là bao nhiêu, kịp thời niêm phong tài sản cá nhân của ông Trần Bắc Hà và một số cá nhân có liên quan.
Kể cả tài sản của các ông này đã được “phù phép” cho người khác đứng tên, nhưng nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định đó là tài sản bất minh, do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan điều tra cũng phải kê biên.
Tôi nghĩ, ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang cũng nên thành khẩn khai báo về số tài sản của mình đang có và tích cực bồi hoàn cho Nhà nước để hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Một cán bộ từng công tác lâu năm trong lĩnh vực điều tra của bộ Công an cũng phân tích: “Cơ quan điều tra cần nhanh chóng xác định tài sản còn lại của dự án và các tài sản khác. Trước mắt, về nguyên tắc phải phong tỏa chính tài sản hình thành từ vốn mà ngân hàng giải ngân, tài sản đến đâu thì phong tỏa đến đó, còn tiền mặt thì phong tỏa tiền mặt, nếu đã đưa vào công trình thì phong tỏa công trình.
Trong trường hợp đã phong tỏa như vậy mà vẫn không đủ so với số tiền ngân hàng đã cho vay thì phải tiếp tục xác định tài sản và phong tỏa tài sản của các bị can liên quan. Kể cả tài sản của các bị can không phải hình thành từ tiền ngân hàng giải ngân nhưng vẫn phải phong tỏa để phục vụ cho việc sau này các bị can thực hiện trách nhiệm dân sự đền bù”.
Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng, chỉ bị can, bị cáo phạm tội tham ô tài sản thì mới bị phong tỏa tài sản cá nhân, còn phạm các tội khác thì không, vị cán bộ này phân tích: “Điều đó là không đúng. Không phải tham ô tiền bỏ túi mới phải hoàn trả.
Hành vi cố ý làm trái và vi phạm gây hậu quả đều phải có trách nhiệm bồi thường. Ngoài trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu gây thiệt hại bao nhiêu thì các bị can phải có trách nhiệm bấy nhiêu.
Việc từng người phải bồi thường bao nhiêu sẽ do tòa án quyết định. Nhưng mà trước khi có phán quyết của tòa án, để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại sau này thì nhất thiết cơ quan điều tra phải làm biện pháp phong tỏa, kê biên quản lý tài sản của các bị can, trong đó có bị can Trần Bắc Hà”.