Phó chủ tịch (PCT) VFF, đồng thời là TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn hôm qua cho biết đề xuất V-League 2013 không có đội rớt hạng (vừa được chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký duyệt sáng nay) không đến từ sức ép của việc K.Kiên Giang đòi bỏ giải.
Tuy nhiên, cũng chính ông Viễn trước đó 1 ngày nói hoàn toàn khác, rằng sau khi XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ V-League, phần còn lại của giải đấu vẫn có đội rớt hạng. Chỉ cho đến khi K.Kiên Giang bắn tin dọa sẽ nối gót XM Xuân Thành Sài Gòn, chỉ cho đến khi phát hiện mình nói… hớ, ông Viễn mới đổi giọng, và quyết định không có đội rớt hạng mới vội vã được thông qua.
Có thể thấy rằng VPF và VFF hiện không còn nhiều lựa chọn, bởi sức ép đòi bỏ giải hiện quá lớn. Nếu K.Kiên Giang bỏ, nguy cơ V.Ninh Bình cũng bỏ. Khi đó, V-League chắc chắn sẽ vỡ.
Kiên Giang sẽ không còn phải lo chuyện xuống hạng
Đã rơi vào thế bị động, những người điều hành bóng đá Việt Nam đành bấm bụng làm cái việc được đánh giá là đi ngược với sự phát triển chung của bóng đá thế giới, chỉ mong cốt sao V-League được về đến đích, dù cái đích đấy chưa chắc đã an toàn.
Giải VĐQG được gắn mác chuyên nghiệp mà lại không có đội rớt hạng thì chẳng khác giải phong trào. Không có đội rớt hạng, ở 2 vòng đấu cuối, ngoại trừ nhóm trên còn có mục tiêu tranh ngôi vô địch, các trận đấu của nhóm dưới toàn thuộc dạng đá… chơi.
Khi đó, ai dám chắc là tiêu cực sẽ không nẩy sinh, một khi những K.Kiên Giang, V.Ninh Bình, hay B.Bình Dương đã hết động lực, đã không còn lo cảnh rớt hạng và dễ dàng mặc cả với các đối thủ đang cần điểm?
Tính hấp dẫn hơn một nửa số trận đấu trong 2 vòng đấu cuối liên quan đến các đội chiếu dưới vì thế cũng không còn. Khi đó, tiêu chí phục vụ khán giả cũng mất đi.
Cái khó của VFF cũng như VPF còn ở chỗ, do đã lỡ trừ điểm XM Xuân Thành Sài Gòn sau khi đội bóng thành phố sử dụng đội hình gồm nhiều cầu thủ trẻ, cất nhiều trụ cột trong trận đấu với K.Kiên Giang ở vòng 19, nên 2 vòng đấu cuối của V-League có thể cũng đánh mất luôn tiêu chí hướng đến tương lai.
Trong trường hợp các đội đã hết mục tiêu, muốn chuẩn bị cho mùa giải tới hoặc xa hơn nữa bằng cách để cho các cầu thủ trẻ thi đấu, VFF cũng như VPF có trừ điểm họ như đã trừ điểm XM Xuân Thành Sài Gòn hay không?
Đấy đều là những vấn đề khó mà những người điều hành bóng đá đang chuẩn bị phải đối diện. Họ đã lỡ đặt mình vào thế khó, lỡ tuyên bố quá lố và đã lỡ xử một cái án dựa trên những lý do thiếu thuyết phục, nên chính VFF, VPF và BTC giải từ giờ sẽ rất khó ăn khó nói với dư luận cả nước.
Không chấp nhận để cho các cầu thủ trẻ ra sân, chẳng khác nào chạy theo thành tích đơn thuần mà bỏ qua sự phát triển của tương lai. Chấp nhận chuyện các đội bóng sử dụng nhiều cầu thủ trẻ với mục tiêu thử nghiệm và thi đấu hời hợt (vì hết động lực rồi mà!), thì VFF, VPF giải thích ra sao với XM Xuân Thành Sài Gòn – đội vừa bị họ trừ điểm vì chuyện ấy?
Vấn đề khác liên quan đến K.Kiên Giang. Về bản chất, đội bóng miền Tây Nam bộ không khác XM Xuân Thành Sài Gòn, tức là cũng không có tuyến trẻ, không có cơ sở vật chất riêng. Thậm chí K.Kiên Giang còn tệ hơn đội bóng thành phố ở chỗ đội này còn không tiền (mỗi lần thi đấu là mỗi lần đi vay nợ).
Bóng đá chuyên nghiệp không thể tồn tại những đội như thế, nên việc những người điều hành bóng đá Việt Nam dung dưỡng cho sự tồn tại của K.Kiên Giang ở V-League được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm.
Vì áp lực đòi bỏ giải của K.Kiên Giang mà VFF bỏ suất rớt hạng ở V-League 2013, nhưng có ai dám chắc rằng sang V-League 2014, K.Kiên Giang sẽ không thực hiện điều tương tự một khi họ lại… khó?
Mà V-League năm sau sẽ còn nhiều đội chẳng khác đội bóng miền Tây Nam bộ (không tiền, không lực lượng kế thừa, không tương lai). Tình cảnh những người điều hành bóng đá Việt Nam hiện chẳng khác những người đang đi trên dây tử thần, càng cố đi thì càng nguy hiểm.
Theo Dân trí