Trong ngày Giáng sinh, người Anh thường đến cửa hàng chuẩn bị những món quà đặc biệt cho người thân và cùng nhau đến nhà thờ.
Tuy nhiên không phải bất cứ quốc gia nào cũng đón Giáng sinh vào ngày 25/12, một số nước còn đón ngày lễ này sớm hơn hoặc muộn hơn bằng những hoạt động truyền thống khác nhau, theo Mirror.
Ở Iceland, 13 ngày trước Giáng sinh sẽ có lần lượt 13 ông già Noel đến trao quà mỗi ngày cho trẻ em. Những đứa trẻ ngoan sẽ được những quà tặng như kẹo, bánh, đồ chơi. Trẻ hư chỉ được những món quà kém hấp dẫn, chẳng hạn như một củ khoai tây.
Đến ngày 25/12, 13 ông già Noel sẽ lại tiếp tục phát quà một lượt nữa cho đến ngày 6/1, khi đó lễ Giáng sinh mới thực sự kết thúc và ông già Noel cuối cùng sẽ đi về nhà.
Ở Đức, đêm Giáng sinh là thời điểm thiêng liêng nhất. Người người nhà nhà sẽ quây quần bên bữa tiệc ấm cúng với nhau và nửa đêm sẽ đi đến nhà thờ cầu nguyện.
Đối với trẻ em Ba Lan, ông già Noel có thể đến phát quà từ ngày 6/12. Không giống như ông già Noel bình thường, nhân vật này mặc trang phục trắng và vàng chứ không phải là màu đỏ và trắng.
Các gia đình Ba Lan có truyền thống thưởng thức 12 món ăn đêm Giáng sinh, trong đó có món bánh pierogi nổi tiếng.
Người dân Argentina sẽ trang trí nhà cửa với đèn và vòng hoa màu đỏ trắng trước cửa nhà cho ngày lễ cuối năm. Cây thông Noel thường trang trí từ ngày 8/12.
Món ăn phổ biến ngày Giáng sinh bao gồm gà tây nướng, thịt lợn nướng, cà chua nhồi thịt và các loại bánh. Một số gia đình còn bắn pháo hoa vào lúc nửa đêm.
Với các nước châu Úc, Giáng sinh đến với họ vào kỳ nghỉ hè, bởi vậy, các bữa tiệc thịt nướng ngoài trời là lựa chọn phổ biến nhất.
Người dân lục địa này cũng treo vòng hoa trước cửa nhà và cùng nhau hát thánh ca đêm Giáng sinh.
Giống như các nước Đông Âu, các gia đình ở Nga sẽ chuẩn bị 12 món ăn (đại diện cho 12 tông đồ) vào đêm Giáng sinh, bao gồm súp củ cải đường, cá và cải bắp nhồi. Người Nga đón Giáng sinh chính thức vào ngày 7/1, theo lịch Julian.
Ở Nigeria, Giáng sinh là một sự kiện gia đình. Nhiều gia đình sẽ quây quần cùng nhau trong bữa tiệc kéo dài suốt đêm. Đến sáng hôm sau, họ cùng nhau đến nhà thờ để tạ ơn Thiên Chúa.
Nhà cửa và đường phố được trang hoàng lộng lẫy với cây thông Noel và đèn hoa nhiều sắc màu. Người Nigeria thường ăn gà tây vào dịp Giáng sinh.
Đối với Sri Lanka, quốc gia chủ yếu theo Phật giáo (chỉ 7% người dân theo đạo Thiên Chúa) Giáng sinh vẫn là một ngày nghỉ lễ. Đối với các tín đồ ở Sri Lanka, mùa Giáng sinh bắt đầu từ ngày 1/12.
Trên khắp đường phố và trung tâm mua sắm đều có cây thông Noel lớn trang trí tạo nên không khí không thua kém ở bất cứ nơi đâu. Tại Sri Lanka, ông già Noel được gọi là Naththal Seeya.