Người dân nơi đây quan niệm rằng, tất cả loại cây khi đã ngâm với rượu đều trở thành "thần dược". Uống vào cơ thể, "thần dược" không chữa khỏi bệnh này sẽ giúp "diệt" bệnh khác. Điều đặc biệt, những người đàn bà Đồng Dâu cũng uống rượu ngâm hàng ngày. Và không ít câu chuyện bi hài đã xảy ra từ cái phong tục kỳ dị này.
Cả làng đổ xô đi săn "thần dược"
Chúng tôi về xã Tiến Xuân vào một ngày trời se lạnh. Từ Hà Nội, PV chạy xe theo đường quốc lộ 6A đến ngã ba Xuân Mai thì dừng lại hỏi đường. Tạt vào quán nước, một người đàn ông nheo mắt nhìn về những ngọn đồi trùng điệp cho biết: "Từ đây vào Tiến Xuân còn gần 10km nữa. Đường đang thi công nên rất khó đi. Các chú vào đấy nếu không ở lại thì phải ra sớm. Đường ra không có đèn điện, chỉ cần cua không chuẩn cả người và xe sẽ được tắm nước".
Quả đúng như lời của ông chủ quán nước đã cảnh báo. Con đường độc đạo vào xã Tiến Xuân ngang đường lên "cổng trời". Đường đi lòng vòng như lạc vào ma trận. Sau khoảng một giờ đánh vật với chiếc xe máy, như cưỡi ngựa trên đường, chúng tôi đã đến trung tâm xã Tiến Xuân. Mấy người dân cho biết, thôn Đồng Dâu cách đây hơn 2km nữa. Đường vào làng này có những con dốc cao đến nỗi, nhiều khi vít ga hết cỡ mà bánh xe vẫn cứ quay tròn bánh rồi chạy giật lùi. Chúng tôi phải thay nhau dắt bộ gần một tiếng mới đến được nhà dân.
Có vẻ như nơi đây rất ít người qua lại. Chính vì thế, khi thấy sự góp mặt của khách lạ, người dân cứ nhìn chằm chằm chúng tôi như người trên "sao Hoả" vừa rơi xuống. Hỏi một thanh niên về tục đào rễ cây ngâm rượu, anh này lập tức chỉ chúng tôi vào nhà bà Bùi Thị Năm, 54 tuổi. Được biết, đây là người phụ nữ đã hơn 40 năm đi đào rễ cây ngâm rượu.
Khi biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu về cái tục lạ lẫm này, bà Năm nói một tràng tiếng dân tộc (dân tộc Mường - PV) với người con gái đang ngồi khâu quần áo, rồi họ cười sặc sụa. Tất nhiên là chúng tôi không thể hiểu được họ đang nói gì. Sau một hồi khiến chúng tôi ngơ ngác về "tộc ngữ", bà Năm quay sang nói chuyện với PV bằng tiếng Kinh: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà nội của mình đi đào những rễ cây trên Thung (một khu rừng cách thôn Đồng Dâu 10km - PV) về ngâm rượu uống chữa bệnh.
Đây là một phong tục truyền thống của làng từ xa xưa để lại". Bà Năm cho biết, cứ sáng sớm, cả làng lại nắm cơm, hò nhau lên Thung đào rễ cây đến tối mịt mới về. Năm lên 10 tuổi, bà Năm được bố cho đi rừng săn tìm rễ cây. Về nhà, ông cụ lại nấu rượu rồi ngâm rễ quý. Lúc ấy, vào làng Đồng Dâu, mặc dù có thể thiếu cơm, thiếu gạo nhưng nhà nào cũng có cả chục bình rượu rễ ngâm. Và điều đặc biệt là cả phụ nữ, trẻ em cũng được uống rượu như đàn ông và trở thành "đệ tử" lưu linh.
Con đường dẫn vào làng chuyên chế "thần dược"
Bà Năm bảo rằng, theo thời gian, nghề đào rễ cây ngâm rượu cũng không còn nhiều người kế tục nữa. Hiện nay, trong làng chỉ còn vài gia đình lên Thung để "săn" rễ cây về ngâm rượu. Người đàn bà này cho biết, năm 2000, người dân làng Đồng Dâu phát sốt về một loại củ mà họ gọi là củ sâm. Thời điểm đó, có một người đàn ông lạ mặt từ Tế Tiêu (Thanh Oai, Hà Nội) mang một loại củ to như củ sắn đến thuê cả làng đi lên rừng tìm giúp. "Ông ấy mang đến chỉ một củ duy nhất cho chúng tôi nếm thử và bảo người dân đi đào về rồi sẽ thu mua hết. Lúc ấy, tôi còn nhớ người đàn ông này trả 800 - 1.000 đồng/kg. Khi đó, 1.000 đồng đối với chúng tôi vẫn còn to lắm. Vì không biết tên nên chúng tôi cứ đặt loại củ đó là củ sâm".
Sau khi được biết hình dáng, mùi vị, cả gia đình bà Năm chia nhau vào rừng để tìm kiếm. Có ngày, gia đình bà bán được hơn 100.000 đồng tiền sâm, tương đương với hơn 100kg củ sâm. Thấy gia đình bà Năm kiếm được nhiều tiền từ loại củ dại, nhiều người trong làng cũng kéo nhau vào rừng đào bới. Lúc ấy, ban ngày, làng Đồng Dâu vắng hoe, chỉ còn những cụ già và trẻ nhỏ.
Khi chúng tôi hỏi công dụng của loại củ này, bà Năm bảo cũng đã hỏi người đàn ông lạ mặt kia nhưng ông ta không nói. Lúc ấy, cả làng ham tiền nên chỉ mải vào rừng tìm sâm. Nhiều người thì bảo loại củ này là một vị thuốc Bắc có tác dụng bồi bổ cơ thể. Có người lại nói, sau khi thu mua ở đây, người ta chế biến chúng rồi xuất khẩu sang nước ngoài làm đặc sản. Thậm chí còn có tin đồn, bọn mafia nghiền thành bột làm thuốc phiện vì thân của loại củ này rất trắng. Được biết, cứ mỗi ngày, các lái buôn lại đánh hai xe ô tô vào làng chở sâm đi.
Những chuyện bi hài
Theo lời giới thiệu của bà Năm, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Chấp, 65 tuổi. Bà Chấp được mệnh danh là người đàn bà nắm nhiều bí kíp về cách ngâm rượu nhất. Trao đổi với PV, bà Chấp cho biết, có thời điểm, cả làng rủ nhau vào rừng đào rễ cây về ngâm uống, không hết còn mang ra chợ huyện bán. Tuy nhiên, nhiều người ở các vùng khác một phần không tin tưởng, một phần sợ độc nên không dám mua. "Đã thành "bài thuốc" gia truyền, nếu đau gối, đau xương, chúng tôi lên rừng đi tìm cây Lục Chạc, cây Cùn Khoèo để chữa. Khi uống loại cây này, có người khỏi bệnh, có người không khỏi bệnh này nhưng thấy khỏi bệnh khác và khoẻ người hơn. Đối với phụ nữ đẻ hoặc ai hoa mắt chóng mặt, có triệu chứng thiếu máu thì vào rừng tìm cây Máu người về ngâm rượu uống".
Cũng theo bà Chấp, để biến những loại rễ cây dại thành "thần dược" chữa bệnh phải trải qua những công đoạn hết sức công phu. Đầu tiên họ phải rửa thật sạch, sau đó thái thành từng đoạn nhỏ rồi phơi cho thật ráo nước. Tiếp sau đó là công đoạn sao khô rễ cây bằng than hồng. Phải làm sao cho rễ khô hoàn toàn, ngả màu vàng nhưng không được cháy. Công đoạn quan trọng nhất trong việc chế biến "thần dược" là úp hạ thổ rễ cây xuống nền nhà. Tác dụng chủ yếu của việc làm này là để thuốc ngấm được tính âm của đất.
Bà Năm cũng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện dở khóc, dở mếu về tác dụng phụ của việc uống rễ cây ngâm rượu. Được biết, có một người đàn ông trung niên trong làng bị bệnh đau dạ dày. Ông ta quyết định cơm nắm, muối vừng lên Thung tìm rễ cây về chữa bệnh. Sau mấy ngày đánh vật trên rừng, người đàn ông này tìm được hơn 10 loại rễ cây mà theo ông ta là có thể chữa được bệnh. Dù đã "tạch" chuyện chăn gối hơn hai năm nhưng từ khi uống rượu rễ cây vào ông bỗng nhiên "hồi xuân". Sau khi biết chuyện, nhiều chàng trai trẻ cũng đổ xô lên rừng tìm "thần dược" đàn ông. Có người cũng hái đủ 10 loại cây về uống thử. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, người này khóc ròng vì bỗng nhiên mất đi khả năng đàn ông của mình.
Tắc tử vì rượu rễ cây Trao đổi với PV báo Người đưa tin, lương y Nguyễn Văn Hưng (hội Đông y Hà Nội) cho biết, ông đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong vì rượu ngâm. Một trong những trường hợp đó là nam thanh niên 27 tuổi, quê Gia Lâm, Hà Nội. Trường hợp này, bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm rễ cây có độc và nhập viện trong tình trạng người tím tái, da nổi những nốt thâm. Ngay sau khi bệnh nhân nhập viện được vài phút đã tử vong vì trụy mạch. Theo lương y Nguyễn Văn Hưng, việc sử dụng rượu ngâm các loại cây phải vô cùng cẩn trọng. Bởi nhiều loại cây chứa rất nhiều độc tố, khi kết hợp với rượu, độc tố này còn tăng lên rất nhiều lần. "Uống nhầm nhưng chưa ai chết vì rượu rễ cây" Khi chúng tôi đặt câu hỏi về mức độ an toàn và chữa lành bệnh của các loại rễ cây này, bà Chấp nói: "Nói thực, đây là loại thuốc truyền thống mà các cụ truyền lại cho mình. Chúng tôi có phải là bác sĩ đâu mà khẳng định được công dụng thực của nó. Tuy nhiên, đối với những loại rễ cây này, chỉ cần uống không say là được. Cũng nhiều người bị đau bụng, nôn mửa khi uống các loại rượu ngâm rễ cây nhưng chỉ một vài ngày là đỡ. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa thấy ai chết vì uống rễ cây cả". |
Vương Chân