Một trong những phong tục kỳ lạ của người Do Thái đó chính là đạp lên túi vải thuỷ tinh. Đó là khi buổi lễ kết thúc, cô dâu và chú rể sẽ bước lên một túi vải chứa đầy kính thủy tinh để làm vỡ nó.
Theo đó, sau đám cưới, cô dâu và chú rể cùng nắm tay đạp lên chiếc túi to. Việc làm này hàm chứa nhiều ý nghĩa, và một trong số đó là cho cặp đôi thấy hôn nhân chứa đựng nỗi buồn cũng như niềm vui, miễn họ luôn đồng hành cùng nhau mãi mãi thì sóng gió gì cũng vượt qua.
Theo nhiều nguồn tin, trong xã hội Do Thái, phong tục cưới hỏi bắt đầu với người mai mối. Thường thì ý tưởng mai mối khởi đi từ cha chú rể, nhưng người mai mối cũng cần nhận được sự đồng ý của cô dâu.
Sau khi mai mối thành công, luật Do Thái đòi có một số tiền cưới cho nhà gái. Số tiền này thường sẽ tương xứng với thế giá của nhà trai. Suốt thế kỷ thứ nhất, số tiền này khoảng 100 denari, tương đương với khoảng 100 ngày công lao động.
Sau khi trao tiền cưới, chú rể tương lai sẽ tặng quà cưới cho cô dâu tương lai để bày tỏ tình yêu. Nhà gái cũng trao của hồi môn cho cô dâu và đây cũng là một phần thừa kế. Hôn ước được ký gồm những thông tin chẳng hạn như: Số tiền cưới, những quyền mà cô dâu có cũng như những yêu cầu hoặc lời hứa của chú rể.
Trong truyền thống cũng có những trường hợp chú rể đến bắt cô gái đi một cách bất ngờ và lấy cô làm vợ. Truyền thống này đã có từ xưa và cũng được thấy nơi những nền văn hóa khác. Chẳng hạn việc bắt vợ cũng diễn ra trong văn hóa Hy Lạp và La Mã.
Trang Dung (t/h)