Kimono được tôn là quốc phục của Nhật Bản và trở thành biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Người Nhật đã lột tả toàn bộ cuộc sống và tư tưởng nghệ thuật của mình trên bộ kimono. Vì thế hội họa, kịch, múa, điêu khắc của họ đều gắn liền với hình ảnh chiếc áo kimono.
Được biết, người Nhật mặc kimono tối thiểu 4 lần trong đời đó là vào ngày lễ 753, lễ trưởng thành, kết hôn và lễ tang. Ngày tết thiếu nhi 753 được coi là ngày đầu tiên mặc kimono trong đời của các em bé Nhật.
Theo phong tục của người Nhật, 3 tuổi, 5 tuổi, 7 tuổi là độ tuổi may mắn nhất của các em nhỏ. Vì thế, mỗi năm cứ tới ngày 15 tháng 11, các bé gái 3 hoặc 7 tuổi và các bé trai 5 tuổi đều mặc bộ kimono truyền thống, cùng với bố mẹ tới các ngôi đền đề cầu nguyện. Sau khi lễ cầu nguyện kết thúc, các bậc phụ huynh thường mua cho con kẹo ngàn tuổi được bọc trong giấy có hình rùa hoặc hạc, con vật tượng trưng cho trường thọ, với ước nguyện con cái mình sẽ có cuộc sống yên ấm suốt đời.
Lễ trưởng thành là một ngày lễ lớn tại Nhật Bản nhằm cầu phúc cho những thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi. Trước duy tân Minh Trị, ngày 15 tháng Giêng âm lịch được lấy làm ngày lễ trưởng thành nhưng sau khi người Nhật bỏ lịch âm thì đổi thành ngày 15 tháng 1 dương lịch và từ năm 2000 trở đi lại sửa thành thứ Hai của tuần thứ hai tháng 1 hằng năm. Vào ngày này, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức lễ trưởng thành cho những thanh niên tròn 20 tuổi và cấp giấy chứng nhận, với ý nghĩa nhắc nhở họ trở thành người lớn và có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Chiếc kimono trong lễ trưởng thành mang theo cả những lời chúc phúc và tán dương của gia đình dành cho những chàng trai, cô gái tròn 20 tuổi. Mặc dù họ đã từng mặc kimono trong lễ 753 nhưng tới lễ trưởng thành mới là lần đầu tiên họ cảm nhận được tuổi thanh xuân căng tràn sức sống khi mặc chiếc kimono trên người.
Tuấn Duy