Theo đánh giá, thời gian qua, phòng vệ thương mại (PVTM) được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.
Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.
Vụ việc EU điều tra PVTM ở Việt Nam đang ở mức thấp
Theo bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Việt Nam chưa nằm trong danh sách bị các nước EU điều tra nhiều về PVTM. Lí do là chúng ta chưa xuất nhiều đến thế”.
Giải thích về điều này, bà thông tin thêm, về mặt nguyên tắc, xuất càng nhiều, PVTM sẽ càng lớn. Theo thống kê, ở thời điểm hiện tại, thị phần của Việt Nam trong xuất khẩu vào EU chỉ chiếm hơn 2%, số liệu này là rất nhỏ so với lượng nhập khẩu của EU.
Về cơ bản, phòng vệ thương mại là 3 biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Khi có kết quả cuối cùng có thể áp thuế hạn ngạch hoặc hạn ngạch thuế quan. Và các biện pháp ấy luôn chồng lên tất cả các biện pháp thuế FTA bất kể thời điểm nào. Đó là lí do vì sao các biện pháp phòng vệ thương mại là “chiếc van an toàn” khi các nước tham gia vào FTA.
Đối với PVTM, cho tới hiện tại, áp dụng nhiều nhất là Ấn Độ, trước đây là Mỹ, sau đó là EU, Brazil và một số nước. Việt Nam may mắn không có tên trong danh sách này, nghĩa là chúng ta chưa ở thế cạnh tranh khó khăn đến mức phải sử dụng biện pháp PVTM.
Mặt khác, khi xét trên số lượng điều tra PVTM của EU đối với Việt Nam còn tương đối khiêm tốn, cho tới thời điểm này, chính xác là mới có 14 vụ việc. Thời kỳ EU điều tra nhiều là những năm 2000-2006, cho đến những năm sau, mỗi năm chỉ lẻ tẻ một vụ việc.
Đồng thời, bà Giang cho rằng, hầu như biện pháp PVTM ở thời điểm hiện tại không tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu hay sản xuất của Việt Nam.
Cụ thể, EU bên cạnh điều tra chống bán phá giá, thì điều tra lẩn tránh thuế đối với Việt Nam tương đối nhiều, tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, trong tất cả các số vụ việc, chỉ còn duy nhất một vụ việc thuế đang còn có hiệu lực là vụ về thép năm 2018. Còn lại, tất cả các vụ đều được EU kết thúc mà không áp thuế với chúng ta hoặc có áp thuế thì tới thời điểm này cũng đã hết hạn.
PVTM luôn song hành với FTA và sẽ tăng theo chu kỳ
Bà Châu Giang nhận định: “Không có cách gì tránh khỏi PVTM. Cách duy nhất để không bị kiện PVTM là không xuất”.
Đã xuất thì phải xác định trước sau gì cũng sẽ bị kiện, không trước thì sau, xuất càng nhiều càng nhanh thì càng dễ bị kiện. Chúng ta đừng coi đó là một hành động sai trái hay kiện tụng là điều gì phức tạp, mà hãy coi đó là một điều luôn song hành với FTA.
Khi coi như vậy, thì chúng ta sẽ luôn ở trong tâm thế chủ động và sẵn sàng đối phó với nó. Điều đó cũng giống như Covid, nếu muốn chắc chắn không nhiễm bệnh thì chỉ có cách ở nhà và không tiếp xúc với ai quanh năm suốt tháng, còn đã tiếp xúc là phải chấp nhận rủi ro.
Nhìn vào bức tranh tổng quan về tất cả các vụ kiện PVTM đối với Việt Nam trong 10 năm vừa qua, có thể thấy năm 2020 là năm kỷ lục, thì 2021 là giảm đáng kể.
Sở dĩ có sự gia tăng này bởi, trong khoảng chục năm gần đây chúng ta bắt đầu các FTA đi vào giai đoạn thực thi tăng cường. Phần lớn hơn 98% dòng thuế FTA mới trừ CPTPP hay EVFTA là chưa tới con số đó, nhưng đối với các Hiệp định như ASEAN+ thuế đã đưa về 0.
Xuất khẩu tăng nhanh thì PVTM tăng theo, đỉnh điểm là năm 2020, các nước bị nhiều như vậy đó là bởi thời điểm Covid bắt đầu xuất hiện, các nước lo sợ rằng, nếu để hàng nhập khẩu vào thì mặt hàng trong nước không cạnh tranh được, nên các nước áp dụng rất nhiều.
Tuy nhiên, theo chu kỳ, nếu 2021-2022 sụt giảm thì 2023-2024 sẽ lại trở nên cao, tuỳ thuộc vào mức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng lực xuất khẩu của chúng ta gia tăng đến đâu.