Những ngày này mưa gối lên mưa, bão chồng lên bão, mất mát nối tiếp đau thương. Trong khi hàng trăm, hàng nghìn cây bút của phóng viên, nhà báo đang hướng về các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ quét, sạt lở gây ra thì làng báo lại bàng hoàng nhận về tin dữ đến nhói lòng: Một phóng viên trẻ bị lũ cuốn trôi ở Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Anh là Đinh Hữu Dư lấy bút danh Giang Phong – Phóng viên thường trú của Thông Tấn Xã Việt Nam tại Yên Bái. Khoảng 12h ngày 11/10, thời điểm cầu Thia bất ngờ bị sập do nước lũ từ thượng nguồn đổ về, anh đang tác nghiệp trên cầu cùng một số người dân khác. Góc máy quay vẫn còn dang dở, vậy mà dòng nước lũ nỡ cuốn anh đi.
Làm thế nào đây? Đồng nghiệp, khán giả đang chờ những hình ảnh mới nhất của anh về cơn lũ dữ, gia đình đang chờ anh trở về, bạn bè đang ngóng tin anh,... Anh còn trẻ lắm! Tuổi chưa tròn 30, tổ ấm nhỏ vẫn chưa xây dựng, biết bao đề tài, biết bao sự kiện đang chờ anh chắp bút… Bây giờ thì phải làm sao đây?
Trên trang cá nhân, một đồng nghiệp của anh đồng thời cũng là người trực tiếp tác nghiệp cùng anh tại hiện trường cầu Thia đã chia sẻ những dòng tâm sự mà khi đọc lên không ai khỏi nghẹn ngào, xót xa:
“Anh muốn ngủ đi 1 chút vì ngày mai còn rất nhiều việc nhưng cứ nhắm mắt vào là hình ảnh em lại hiện lên.
Anh day dứt dằn vặt, thương em còn ở đâu đó ngoài kia có được cái chăn ấm như anh không. Cuộc sống mong manh quá, chưa bao giờ anh bất an như lúc này. Cùng đứng trên cầu nhưng em lại tiến về phía trước con anh lùi về phía sau, chỉ vài bước chân thôi mà giờ mình xa nhau quá.
Giờ em đang ở đâu, rất nhiều người đang chờ em, yên sau xe anh cũng đang chờ em, sáng nay anh em mình rất đói và mệt, giờ em đã được ăn chưa Dư. Thôi hôm nay em mệt rồi, em cứ nghỉ đi mai ta tìm nhau để về em nhé!”.
Xin mượn những câu thơ của tác giả Bùi Đời để cầu nguyện cho người phóng viên trẻ nhiệt huyết ấy nhanh trở về với chúng ta, tiếp tục viết tiếp những ước mơ còn dang dở.
“Về Dư nhé, muôn triệu lòng lửa đốt
Về để còn viết nốt những giấc mơ
Bao người dân Nghĩa Lộ đang ngóng chờ
Về Dư nhé, trên bờ…người mong đợi".
"Tôi ấn tượng nhất với Dư vì cậu ấy ham học hỏi. Cứ bám lấy tôi hỏi kinh nghiệm, tác nghiệp địa bàn miền núi. Sau Dư về Yên Bái công tác, nhưng vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng inbox facebook, vướng mắc gì khi tác nghiệp lại hỏi tôi”, nhà báo Chu Quốc Hùng, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Lâm Đồng. “Dư rất hiền, ít nói và luôn khiêm nhường, từ tốn hay mỉm cười. Trong đám bạn đồng môn làm báo với tôi, thì Dư là một trong những cây bút sắc bén nhất, luôn tâm huyết và không quản ngại xông pha... Tôi quý Dư, ngưỡng mộ cậu ấy vì những điều đó. Mong cậu sớm bình an trở về, Dư nhé!”, phóng viên Hồng Hạnh, Báo Kinh tế & Đô Thị. “Tôi biết anh Dư từ khi anh ấy còn là sinh viên, tôi chỉ nhớ nhất là hồi tôi là sinh viên năm 3, tôi cộng tác viết bài ở báo Lao Động, đó là bài về xóm Vạn, nằm bên quốc lộ 32, cách trung tâm thủ đô 80km, thuộc xã Trung Hà, Ba Vì (Hà Nội). Có lên đây mới chứng kiến hết xóm Vạn đã đổi thay như thế nào. Đã hết nổi trôi, nhưng xóm Vạn vẫn còn nhiều trăn trở. Nhưng bài viết bị trả về, lúc đó tôi có lên phòng ký túc xá nhờ anh Dư biên tập lại, sau khi được anh Dư gợi ý và chỉnh sửa thì hôm sau bài được đăng ngay. Điều này khiến tôi rất phục anh ấy. Hai tháng trước, anh Dư về quê. Trước khi về anh ấy có ghé qua Hà Nội gặp gỡ mấy người bạn. Hôm đó tôi cũng có mặt, anh Dư có bảo mấy anh em có dịp thì lên Yên Bái chơi với anh. Vậy mà, dịp chưa có, thì lại nghe tin dữ, không muốn tin điều đó là sự thật", Trần Xuân Hoàng, báo Thời Đại. Hoàng Bích |
Đăng Khuê