Hai chất phóng xạ tìm thấy trong hộp sữa Meiji được sản xuất tại Nhật Bản vào tháng Ba là cesium-137 và cesium- 134.
Trong chất này, cesium-137 đặc biệt nguy hiểm với chu kỳ bán rã lâu, kéo dài tới 30 năm. Có thể tồn tại, luân chuyển từ môi trường này sang môi trường khác. Thậm chí có thể tồn tại trong đất đến hàng trăm năm.
Khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm chất cesium, chất này sẽ tồn tại lâu trong cơ thể và là mối đe dọa cho sức khỏe con người. Khi quá một giới hạn cho phép, chất cesium -137 tích tụ vào tủy xương thì sẽ làm cho các tế bào tạo ra máu (bone marrow) bị hủy diệt hoặc làm cho các DNA bị hư hỏng dẫn đến chứng ung thư máu (leukemia).
Đã có 1 sự thống nhất quốc tế về mức độ phóng xạ trong các thực phẩm thương mại khi xảy ra các thảm họa hạt nhân. Tiêu chuẩn này viết tắt là GLs do FAO và WHO công bố.
Những thực phẩm có mức độ phóng xạ thấp dưới tiêu chuẩn GLs là an toàn đối với người sử dụng. Khi mức GLs cao hơn tiêu chuẩn, chính phủ các quốc gia có quyền hủy bỏ hoặc không cho phép thực phẩm này vào lãnh thổ nước mình
Trước đó, nhà sản xuất sữa hàng đầu Nhật Bản, Meiji, thừa nhận, trong sữa bột sản xuất từ ngày 14/3 tới ngày 20/3 năm nay, đã phát hiện có 30,8 becquerel phóng xạ cesium/1kg sữa trong các sản phẩm Meiji “Step”.
Tuy mức nhiễm phóng xạ này thấp hơn nhiều so với mức an toàn là 200becquerel/kg theo quy định của chính phủ, nhưng hãng Meiji vẫn quyết định cho khách đổi lại toàn bộ sữa sản xuất trong giai đoạn vừa nêu.
Trước lo ngại trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ hơn người lớn nên Bộ Y tế nước này sẽ sớm công bố một tiêu chuẩn mới về chất phóng xạ đối với thực phẩm dành cho trẻ em.
Vũ Nguyên (theo Bloomberg, IAEA)