Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Bộ TT&TT) cho hay, quá trình tiếp tục rà soát, đơn vị này phát hiện thêm 40 nhãn hàng mới vẫn đang quảng cáo trong các "clip bẩn" của YouTube.
Bảng danh sách những đơn vị có "quảng cáo bẩn" này có Trường đại học Quốc tế Sài gòn, Trường đại học Thương mại, Đại học quốc gia Hà Nội, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel)...
Đại diện Cục Phát thanh cho rằng, vi phạm của các trường đại học trong việc để hình ảnh xuất hiện trên các quảng cáo nhạy cảm của YouTube là điều cần lên án mạnh mẽ.
Cục Phát thanh cũng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh tuyên truyền đậm thông tin về các nhãn hàng sử dụng quảng cáo bẩn của YouTube. Cục sẽ phối hợp với lực lượng an ninh và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp đã được cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Trước đó, 21 nhãn hàng lớn đã bị Bộ TT&TT đề nghị ngừng quảng cáo trên "clip bẩn" của YouTube bao gồm: Samsung Việt Nam, Grab, Sun Group, Yamaha, Shopee, VNG, Huawei Việt Nam, Watsons, Dược phẩm Thái Minh, Thiết bị máy móc Đại Chính Quang, Công ty Vacxin Việt Nam, Dược phẩm Việt Đức, Trung tâm Thể dục Thể hình và Yoga California, Giáo dục Topica English, Yamaha Motor Vietnam, Công ty Thái Tuấn...
Theo Cục Phát thanh, các nhãn hàng đều đang có quảng cáo trong những clip phản động. Cục cũng yêu cầu các nhãn hàng và thương hiệu giải trình trước ngày 17/6.
Theo ông Lê Quang Tự Do, đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.
Bộ TT&TT cũng chỉ ra dòng tiền quảng cáo này được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động. Công văn gửi các nhãn hàng nêu rõ: ‘Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của thương hiệu, doanh nghiệp’.
Tuy Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và phía YouTube để chấn chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng nói trên bùng phát trở lại giai đoạn đầu 2019.
Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, phía YouTube đã gỡ bỏ khoảng 8.000 clip bẩn khỏi nền tảng của họ trong 1,5 năm qua theo yêu cầu của phía Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 55.000 clip xấu độc khác tồn tại trên nền tảng này chưa được gõ bỏ.
Đình Văn