Nuôi tôm khỏe hơn trồng lúa
Tiếp chuyện với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Thành Cẫn (ngụ ấp 12, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) chỉ tay về vuông tôm phía đằng sau nhà vui vẻ nói: “Trước đây, đời sống của đa số người dân gặp nhiều khó khăn. Làm lúa không đủ ăn, nhiều người đã bỏ xứ đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Nhưng kể từ khi chuyển sang nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, đời sống bà con dần ổn định”.
Cũng theo ông Cẫn, trước đây, do không đầu tư, chú trọng khâu thoát nước đúng khoa học nên trồng lúa thất bại liên tục. Thấy vùng ấp 9, xã Khánh An chuyển sang nuôi tôm đạt hiệu quả cao nên ông có ý học hỏi theo. Ông cho biết, thu nhập bình quân tính luôn vụ lúa, vụ tôm khoảng 170 triệu đồng/ha.
“Nếu được cấp trên thống nhất thì người dân chúng tôi quyết tâm giữ nguyên hiện trạng 30% đất nông nghiệp theo quy định”, ông Cẫn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bé (cùng ngụ ấp 12) lại nhất quyết xin chính quyền địa phương cấp 50% đất. Lý giải về việc này, ông Bé cho biết, gia đình ông chỉ mới đưa nước mặn vào nuôi tôm chưa lâu, nhưng kinh tế đã phát triển hẳn so với trước đây.
“Nuôi tôm hiệu quả hơn trồng lúa nhiều, vụ rồi tôi nuôi tôm kết hợp trồng lúa thu hoạch được trên 100 triệu đồng/ha. Nếu trồng lúa trên cùng diện tích thì làm sao có lợi nhuận như vậy”, ông Bé nhận định.
Dẫn chúng tôi vào vuông tôm đầy ắp nước, trên bãi là cánh đồng lúa xanh rờn, ông Bé cùng một số người dân nuôi tôm gần đó phấn khởi đến góp chuyện. Câu chuyện vẫn chủ yếu là xoay quanh vấn đề nuôi tôm “khỏe” hơn trồng lúa.
Ông Bùi Hoàng Việt, Trưởng ấp 12 chia sẻ với PV: “Nhìn chung những năm qua, việc chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm thì cấp trên không có chủ trương. Nhưng người dân thấy việc chuyển đổi mang lại nguồn sống cho họ nên cố gắng làm, mặc dù làm cũng không được thoải mái, cấp trên xuống lập biên bản. Chúng tôi cũng dằn vặt dữ lắm... bà con đã trình lên UBND huyện xin cho phép giữ nguyên hiện trạng 30% đất nông nghiệp người dân tự chuyển đổi để an tâm sản xuất”.
Theo ông Việt, trên địa bàn ấp 12, xã Khánh An có 147 hộ sinh sống trên tổng diện tích 1.000ha, trong đó có 41 hộ sinh sống dọc theo tuyến kênh Minh Hà đã chuyển đổi sang đất nuôi tôm đạt năng suất cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định. 106 hộ còn lại chủ yếu sử dụng đất để trồng cây ăn trái, cây keo lai và cây tràm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: “Quan điểm của địa phương là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất. Nhưng sản xuất phải tuân thủ quy hoạch; không chấp nhận những hành vi tự phát và cụ thể là không chấp nhận tình trạng tự ý đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa”.
Chúng tôi đã làm hết cách
Ông Đỗ Thanh Dân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh thông tin, theo thống kê, địa bàn huyện có 3 xã tự ý chuyển đổi nhiều nhất gồm: Khánh An, Nguyễn Phích và Khánh Hòa có 566 hộ chuyển đổi, với diện tích 2.693ha. Thời gian qua, huyện đã thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất, bố trí lại một số ấp và đưa những người tự ý chuyển đổi ra khỏi vùng ngọt hóa theo quy hoạch thực hiện 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (với diện tích khoảng 600ha).
Ông Dân cho biết, khó khăn hiện nay là việc vùng mặn ngọt đan xen nhau, bà con rất khó canh tác. Mặt khác, người dân thấy phong trào nuôi tôm đạt hiệu quả cao nên chạy theo, tập trung nhiều nhất ở xã Nguyễn Phích. Đỉnh điểm của phong trào này là vào năm 2003, khi công ty Lâm nghiệp Sông Trẹm chuyển giao địa giới hành chính chuyển về cho xã Khánh Thuận quản lý thì lúc đó người dân chuyển sang nuôi tôm.
“Trước những khó khăn trên và qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung rà soát lại thực trạng trên địa bàn. Hiện nay, chủ trương của huyện cũng đã trình UBND tỉnh Cà Mau cho tách hẳn phần nuôi tôm bằng cách đầu tư hệ thống thủy lợi, tách 30%diện tích này ra để không đan xen mặn ngọt. Về phương án xin chuyển đổi, UBND huyện cũng tính phương án trồng rừng thay thế, trả lại diện tích rừng bị chết theo Nghị quyết độ che phủ rừng 40% đến năm 2020”, ông Dân cho biết thêm.
Cũng theo ông Dân, việc người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng đất trồng lúa để nuôi tôm là vấn đề phát sinh nhiều năm nay chứ không phải mới đây.
“Chuyện xử phạt thì nhiều địa phương cũng đã làm rồi. Chúng tôi đã làm hết cách rồi, người dân vẫn giữ quan điểm nuôi tôm hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nên việc hướng họ từ bỏ con tôm là vấn đề nan giải. Phòng NN&PTNT huyện chỉ là cơ quan chuyên ngành nên đâu có chế tài nào để xử lý người ta được”, ông Dân nói.
Ngoài ra, ông này cũng thông tin thêm, ngành nông nghiệp huyện đã rà soát vùng, đưa ra phương án chuyển đổi quy hoạch và đã có báo cáo. Hiện, địa phương đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Góp phần giảm hộ nghèo Trao đổi với PV, đại diện phòng Nông nghiệp huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Trong tương lai, nếu được UBND tỉnh phê duyệt đề án chuyển đổi, đời sống của người dân sẽ từng bước phát triển rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo sẽ giảm xuống. Theo tôi, trong tương lai không xa, vùng chuyên canh trồng lúa ở huyện U Minh sẽ “được” trồng một vụ lúa, một vụ tôm như ao ước của nhiều hộ dân trong khu vực”. |