Không phải ai cũng có nhiều trải nghiệm, không phải ai cũng có thể chịu đựng được sự quá tải, khắc nghiệt của hiện tại. Chắc chắn không phải tất cả nhưng trong điều kiện bình thường có những người sẽ thật khó chịu nổi nếu không ra đường dù việc ra đường là vô định chẳng có mục đích cụ thể nào.
Với người có căn chất như vậy sẽ rất bức bối khi phải loanh quanh trong diện tích nhỏ hẹp bị bao vây bởi 4 bức tường dù có ti vi và điện thoại thông minh. Để thoải mái có người liều lĩnh ra đườngchấp nhận nộp phạt.
Nhưng chấp nhận bị phạt không phải là cách duy nhất, vẫn có những cách khác không cần phải lao ra đường, không mất tiền, không bị phê phán, giễu cợt trên mạng xã hội.
Nhà Phật dạy hãy tập trung vào từng khoảng khắc và tận hưởng nó. Nhưng rất nhiều thực tại đang diễn ra ta nên chọn thực tại nào đây? Ta tin về số ca lây nhiễm, ta tin rằng ngày này sẽ hết thời gian giãn cách, tin vắc xin sẽ…?
Tuy nhiên may mắn cho chúng ta là thực tại không chỉ là ngày hôm nay trong thời gia vật lý với những hình ảnh, sự việc đang diễn ra trước mắt mà ký ức cũng là thực tại.
Nhà triết học kiêm nhà văn lừng danh Henri Bergson người Anh, được giải thưởng Nobel năm 1927, tác giả của cuốn “Vật chất và ký ức” đã khẳng định: “Ký ức là một dạng vật chất bởi nó luôn hiện diện”. Ký ức tồn tại trong không gian tâm lý và chỉ cần ta nghĩ về nó thì nó sẽ xuất hiện trong đầu ta.
Nhà triết học cổ đại Hy Lạp là Platon khi giảng về những khoái lạc của tâm hồn cũng nhấn mạnh đến vai trò của ký ức và đặc biệt nói đến hạnh phúc mà ký ức về những khoái lạc mang tới. Chẳng hạn khi ta đi du lịch đến một nơi nào đó, phong cảnh lạ lỳ, khí hậu dễ chịu đem lại cho ta lâng lâng thú vị thì ta sẽ hạnh phúc khi ta nhớ lại, mà có thể ta sẽ toan tính quay trở lại nơi đó một lần nữa.
Ai cũng có ký ức và trong những ngày giãn cách vì Covid-19 ta gậm nhấm ký ức, ta gọi điện chia sẻ những kỷ niệm đẹp với bè bạn, người thân. Ký ức vấp ngã cho ta bài học, ký ức hạnh phúc cho ta ham sống. Ký ức vô cùng phong phú và tỷ lệ thuận với tuổi tác. Epicurus, nhà triết học cổ đại Hy Lạp, người sáng tạo ra trường phái “khắc kỷ” cũng nhấn mạnh vai trò của ký ức như một phụ gia của hạnh phúc.
Cuộc sống là dòng chảy không ngừng, đừng làm nô lệ cho những gì đang diễn ra khi chúng quá cay nghiệt. Hãy để khả năng hồi ức và mơ mộng phát huy thì chúng ta vẫn hạnh phúc ngay cả khi chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó.
Đừng tự hủy hoại mình bằng cách để ngoại cảnh chi phối tâm trí bởi xét cho cùng chúng ta là những gì chúng ta nghĩ mà thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.