Thương con thì... vái tứ phương
Ngồi sụt sùi, ngán ngẩm với bạn bè bên quán trà đá ven đường, Nguyễn Thị T. than thở: "Tao cứ nghĩ thi xong là khoẻ, là được thở phào. Chấm thử thấy bài mình cũng san sát điểm đậu năm ngoái, định rủ bạn bè làm chuyến phượt lên Lạng Sơn, đâu ngờ đâu bà bô lại bắt tao đi chùa, đi lễ liên tục. Cự nự hoài thì mẹ tao bảo phải thành tâm cầu nguyện, lễ thánh cho tới khi nào có kết quả đậu thì thôi, càng thành tâm càng tốt. Trốn mãi mới ra đây ngồi chém gió với tụi mày được một lát đây! Trời ơi trời, mong đậu quá, chứ nếu không năm này tới sang năm, lúc nào cũng bài ca lặp lại này thì oải quá. Anh tao hồi thi đại học, cũng mất 3 năm lận mới đậu! Híc híc...". Câu chuyện của T. khiến những người bạn xung quanh phá ra cười, phần vì thông cảm, phần vì thấy câu chuyện hài hước. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện hiếm.
Nhiều bậc phụ huynh vội vàng đi lễ cầu cho con đậu đại học khi kỳ thi đại học mới chỉ kết thúc.
Vốn có thói quen thỉnh thoảng đưa bạn bè đi xem vận mệnh, xem bói ở nhiều nơi, nên từ trước khi cậu quý tử thi đại học, bà Lương Thị P. đã rồng rắn cùng với chồng đi lễ ở khắp các phủ, các đền, các nhà "cô", nhà "cậu". Riêng cậu quý tử thì được "đặc cách" cho ở nhà để lo chuyện đèn sách. Được cái, dù được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" nhưng cậu con trai của họ cũng là người chuyên chú học hành. Cứ mỗi buổi tối, khi bố mẹ lầm rầm cầu nguyện trên tầng áp mái là nơi để bàn thờ, cậu phải đóng chặt cửa để "hớt" chút yên tĩnh còn sót lại trong nhà. Phản đối kịch liệt, bố mẹ mới chịu không mời thầy về cúng vái. Kết thúc 2 ngày thi, cậu con cưng thông báo với bố mẹ là làm sai mất một câu, cộng trừ điểm đại khái thì cũng chưa biết đậu hay trượt. Lập tức cậu bị bố mẹ ép đi làm lễ cùng, có cự nự thì cũng chỉ nhận được một câu trả lời: "Cha mẹ thương con, cha mẹ mới phải vất vả như thế. Không thương mày thì bố mẹ ở nhà cho nhẹ thân". Nghe thế, cậu cũng đành phải chấp nhận theo.
"Mới có khấn vái mấy hôm mà em đã lảo đảo cả người rồi. Mỏi cổ, mỏi chân lắm chị ạ. Nói ra thì lại sợ mọi người cười, nhưng mà quả thực em chẳng tin là cứ lễ lạt nhiều thì đậu được đâu. Thánh thần có thi hộ em được đâu, có cầm bút phê điểm cho em được đâu. Nói hoài mà bố mẹ chẳng chịu nghe. Đậu thì đậu mà không đậu thì năm sau em thi lại chứ có gì mà các cụ cứ phải sốt sắng hết cả lên", cậu con trai của bà P. chán nản.
“Thầy” cũng chả biết cháu “thầy” đỗ không
Cha mẹ càng "thành tâm", con càng nhiều áp lực Nghĩ chỉ xin thêm 0,5 đến 1- 1,5 điểm nên nhiều thánh thần cũng chẳng khó khăn gì mà không cho, nhiều phụ huynh lại càng "thành tâm" lễ lạt. Càng lễ, càng tốn kém, mệt mỏi cho gia đình mà không ngờ áp lực lên con cái càng nhiều. Do vậy, sau mỗi kỳ thi đại học, nhiều sỹ tử rơi vào hội chứng "trầm cảm" do lễ hậu khoa cử! |
Đến phủ Tây Hồ (Hà Nội), vào Văn Miếu và một số ngôi chùa, đền nổi tiếng linh thiêng không chỉ trong địa bàn thành phố Hà Nội, không khó để có thể nhờ được người viết cho một lá sớ "tinh tươm" cả chữ Việt lẫn chữ Nho. Chỉ bỏ ra chừng 50 - 100 nghìn đồng, người đi lễ đã có thể có được một lá sớ với đầy đủ họ tên, sinh quán, nguyện ước của mình và gia đình.
Ông Nguyễn Văn Đ. làm nghề viết sớ lâu năm ở gần phủ Tây Hồ cho biết: "Năm nào cũng thế, cứ đến thời gian này là lại có người thuê tôi viết sớ xin cho con đậu đại học. Trước thời điểm thi thì người ta cầu cho con thông minh sáng suốt, làm bài vững vàng. Cá biệt còn có người cầu cho con... giở tài liệu trót lọt mà không sai sót gì. Sau kỳ thi thì người ta lại cầu cho thánh thần nâng đỡ, soi sét vớt điểm cho con. Tôi vừa viết sớ vừa bụm miệng cười. Có người viết xong rồi, đi ra cửa còn quay lại lưỡng lự, hỏi thì lại bảo tiện thể nhờ thầy viết thêm cho dăm ba lá sớ nữa để đi cầu ở những nơi khác. Có cầu có thiêng ấy mà". Nói rồi, ông đưa tay vuốt nhẹ đầu bút lông cho thẳng thớm rồi lại quay sang tôi: "Thú thực là tôi làm nghề này đã bao năm, nhưng cũng chẳng thấy ai quay lại báo là nhờ có cầu xin mà con cái họ đã đỗ đạt. Người ta nhờ thì mình làm thôi. Cũng coi như một phương thức hỗ trợ tâm lý cho người nhà thí sinh. Ngay đến cháu tôi đi thi, mẹ nó cũng bảo tôi viết cho một lá, tôi chỉ gạt đi bảo nó học được đến đâu thì nó tự biết".
Không chỉ viết sớ, đi chùa, đi đền, nhiều bậc phụ huynh còn "chịu chơi" mời cả "thầy" đến tận nhà để làm lễ. Bà Lâm Hoàng A. ở Cầu Giấy, Hà Nội đang bận mua đồ lễ ở một cửa hàng gần nhà, thấy tôi hỏi, quay sang cười: "Cháu không biết đấy thôi, em nhà cô thi đợt 1, từ hôm đó đến giờ cô cũng đã làm đến 2 buổi lễ lớn ở nhà rồi. Lần nào xin cũng thấy "cười" nên lần này kết quả chắc sẽ khả quan hơn năm ngoái. Năm nay tôi làm lễ to hơn vì năm ngoái, chỉ chểnh mảng đi một tí, thiếu có mỗi 0,5 điểm mà cháu nó trượt". Thời gian "cao điểm" nên mời "thầy" đến nhà không phải dễ, bà A. phải hẹn trước với thầy cả tháng trời với số tiền "hương hoa" cũng không phải nhỏ. Sau mỗi buổi lễ, vợ chồng bà thấy nhẹ nhõm hơn, an tâm, giấc ngủ cũng không còn chập chờn lo lắng như trước. Chỉ khổ cho sĩ tử tên T.A nhà bà, thấy bố mẹ lo lắng quá, tự nhiên cũng thấy bất an.
Trong lúc bố mẹ, cô bác làm lễ thì T.A khép mình trong phòng: "Em thấy áp lực lớn lắm chị ơi. Nếu mà năm nay không đỗ thì công sức của bố mẹ đổ sông đổ bể cả. Nhà cũng có điều kiện nên em cũng chẳng tiếc gì tiền bố mẹ làm lễ cả. Chỉ sợ bố mẹ càng hy vọng nhiều, đến lúc nhận được kết quả thi của em thì thất vọng càng lớn". T.A thú nhận kết quả thi năm nay của mình (thi năm thứ 2) còn tệ hơn năm ngoái do đề khó nhưng cũng phải nói dối với bố mẹ là con làm bài "sàn sàn"với điểm đậu. Nói dối thì đã nói dối rồi, giờ không chữa được, vợ chồng bà A. vẫn khấp khởi mừng thầm "năm nay chắc con mình đậu" và vẫn tiếp tục chi tiền không tiếc tay để đi "nhờ ơn thánh!".
Hón Thỵ