Những năm gần đây tại quận Hoàng Mai nói chung và KĐT HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nói riêng, vấn đề tìm trường cho con đã trở nên căng thẳng và vô cùng khó khăn bởi số học sinh (HS) quá đông.
Tìm được trường, chấp nhận học đông nhưng phụ huynh còn phải khốn khổ bởi lịch học gối (học theo ca) của các con. Nhà trường thực hiện luân phiên nghỉ trong tuần (nghỉ ngày thường, đi học thứ 7) mới có thể đảm bảo chương trình học.
Là một giáo viên về hưu, ông Mến (sống tại tòa HH2B, KĐT Linh Đàm) cho biết: “ Trong suốt quá trình dạy học tôi chưa bao giờ thấy vấn đề trường lớp của các cháu lại căng thẳng, khó khăn như hiện nay. Hiện tại, toàn phường Hoàng Liệt chỉ có 2 trường tiểu học là Chu Văn An và Hoàng Liệt. Riêng HS lớp 1 năm ngoái là 800 cháu và đã quá tải, thì năm nay vào lớp 1 đã tăng lên 1049 HS.
Theo lịch, cháu nhà tôi sẽ nghỉ thứ 2, thứ 3 và thứ 5. Lớp thì đông, bây giờ lại chỉ học 4 buổi/tuần, tôi không biết các cháu sẽ học như thế nào. Học ít thì không theo kịp, học nhiều phải học nhồi nhét, các cháu cũng không tiếp thu được”.
Nhiều ngày nay, gia đình anh Trung (sống tại tòa HH4B, KĐT Linh Đàm) cũng đang đau đầu bởi lịch học vào lớp 1 của con, bởi theo lịch con anh sẽ nghỉ 3 ngày trong tuần. "Trước kia đi mẫu giáo cô cháu chỉ ở nhà ngày Chủ nhật, 2 vợ chồng có thời gian đi làm. Bây giờ lên lớp 1 cháu lại nghỉ 3 ngày, chúng tôi chưa biết sắp xếp thế nào, liên hệ gửi con mà vẫn chưa được”, anh Trung lo lắng.
Chị Nga (sống tại tòa HH1B) bảy tỏ sự hoang mang: “Theo đúng tuyến, con tôi sẽ được vào trường tiểu học Chu Văn An, tuy nhiên tôi khá lo vì trường này năm ngoái có hơn 800 học sinh đã quá đông và các cháu chỉ học 4 ngày/tuần, năm nay còn tăng lên hơn 1000 HS vào lớp 1. Với số lượng trẻ đi học trên địa bàn lớn như vậy, mà số lớp học vẫn giữ nguyên nên khả năng sĩ số sẽ đông hơn, HS của trường sẽ được nghỉ một ngày thường trong tuần và học vào ngày cuối tuần bù vào. Phụ huynh sẽ rất vất vả trong việc bố trí người trông nom vì ngày nghỉ của con lại đúng vào ngày bố mẹ đi làm”.
Trong khi chưa thể tìm được chỗ gửi con, gia đình chị Thu (sống ở tòa nhà HH1B) đã phải nhờ bà ngoại từ Thái Bình lên trông cháu.
Chị Thu cho biết, những gia đình có 2 con vào cấp 1 mới thực sự khó khăn, chị nói: "Nhà có 1 cháu đang học lớp 5, cháu khác năm nay vào lớp 1, theo lịch học thì cậu anh sẽ nghỉ thứ 2,3,5 còn cô em sẽ nghỉ vào thứ 4, 6 và thứ 7.
Như vậy chia ra cả một tuần đều có cháu nghỉ ở nhà, trong khi 2 vợ chồng đi làm cả, thu nhập không được là bao, nếu thuê người trông 2 cháu sẽ rất tốn kém, nên đành nhờ bà ngoại lên trông. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì bà không ở lâu được”.
Theo ông Mến, những năm trước ở KĐT Linh Đàm còn thiếu cả trường mầm non, tuy nhiên hiện nay đã được giải quyết bởi nhiều trường tư được mở. Tuy nhiên, không có trường tiểu học nào được xây thêm.
Để tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp cho vấn đề này, việc dạy và học ở những ngôi trường này ra sao? PV liên hệ tới trường tiểu học Hoàng Liệt thì được giới thiệu lên phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai. Liên hệ tới phòng GD&ĐT họ lại tiếp tục giới thiệu qua UBND quận và đặt lịch làm việc.
Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Theo số liệu cán bộ dân số phường Hoàng Liệt cung cấp, tính đến tháng 11/2017, dân số ở phường Hoàng Liệt là hơn 77.000 dân. Tính riêng khu đô thị HH Linh Đàm gồm 12 tòa nhà cao từ 36 - 41 tầng, mật độ dân cư lên tới khoảng 30.000 dân. Đa số hộ dân nơi đây là các gia đình trẻ, có con trong độ tuổi đi học, trong khi trên địa bàn phường chỉ có 2 trường tiểu học.
Cũng theo vị cán bộ dân số cho biết, trước kia phường chỉ có 1 trường tiểu học Hoàng Liệt, tháng 8/2017 trường tiểu học Chu Văn An được xây thêm nhưng chừng đó là chưa đủ với thực tế dân số tăng quá mạnh ở phường.
Trong báo cáo tổng kết năm học 2017-2019 của sở GD&ĐT Hà Nội thì số lượng học sinh năm nay tăng trên 130.000 học sinh (tổng số gần 1,9 triệu học sinh). Trong đó lứa học sinh tiểu học đông nhất là trên 678.000 HS. Quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy là một trong những quận được thống kê có số học sinh tăng mạnh nhất.
Đặng Thủy-Công Luân