Bước vào năm học mới 2017-2018, dù nhiều trường chưa tổ chức họp phụ huynh, nhưng một số khoản thu về cơ bản đã được công bố. Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, có không ít bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về tiền đóng học cho con.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa tin, chị N.H. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị là nhân viên bán hàng của một công ty tư nhân, thu nhập ở mức trung bình. Còn chồng chị H. không may bị tai nạn gãy cả chân tay và phải nghỉ việc đã vài tháng nay. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc hết vào đồng lương của chị. Chưa kể, gia đình chị còn 2 đứa con đang tuổi ăn học, đứa lớn lớp 5 và con út mới vào lớp 1.
“Đầu năm học tôi cũng đã mua sắm, chuẩn bị cho con những đồ dùng học tập cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhà có 4 người thì 3 người đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của tôi. Bản thân cảm thấy lo lắng khi đầu năm học phải đóng vài triệu tiền học cho cả hai con. Chưa họp phụ huynh nhưng các khoản thu chủ yếu cho các con là: Quỹ xây dựng, học phí, các loại quỹ phát sinh khác.
Tôi không dám nhận xét khoản tiền đó có hợp lý hay không, tuy nhiên, tôi vẫn phải đóng đủ vì các phụ huynh khác họ vẫn chấp nhận đóng. Không có tiền thì đành phải đi vay để đóng bằng được, như thế, con tôi mới có cơ hội đến trường", chị H. bộc bạch.
Đồng cảnh ngộ với chị H., chị Phạm Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có hai con nhỏ, đứa lớn đang học tiểu học và đứa nhỏ đang học mẫu giáo, vì thế các khoản đóng góp đầu năm cũng là điều khiến vợ chồng chị lo lắng.
“Vợ chồng tôi buôn bán nhỏ lẻ nên rất lo lắng với khoản thu của con đầu năm. Dù chưa họp phụ huynh nhưng nhà trường đã thông báo chuẩn bị vài triệu để nộp học phí và các khoản thu khác. Nói chung khá tốn kém”, chị Lan cho biết thêm.
Còn đối với ông Nguyễn Anh T. (bán chổi lông gà, Nguyễn Xiển, Hà Nội), có 3 cô con gái thì hai con lớn đã lập gia đình còn cô con gái út đang học lớp 10. Dù có 2 cô con gái đã yên bề gia thất nhưng kinh tế đều rất khó khăn, vì thế không ai hỗ trợ ông nuôi con gái út.
Vợ ông T. sức khỏe không tốt nên ở nhà bán vài mớ rau. Còn ông, cứ 6h sáng lại gánh chổi lông gà đi bộ lên Bờ Hồ hoặc rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Đến tối ông lại xin đi làm công nhân đến 2h sáng mới trở về nhà.
“Con gái tôi đầu kỳ đã nộp 4-5 triệu đồng tiền học phí, chưa kể mỗi tháng phải đóng thêm 2 triệu đồng tiền học phụ đạo và các khoản phí phát sinh khác. Tôi làm quần quật là thế, việc gì cũng làm nhưng vẫn không đủ để nuôi con đi học. Lương công nhân chỉ 2 triệu đồng/tháng, còn bán chổi ngày nào khá cũng chỉ được hơn 100.000 đồng. Phải tiết kiệm lắm mới đủ nuôi ba miệng ăn, và lo cho con đi học cho bằng bạn bằng bè", ông T. trải lòng.
Không ít phụ huynh có con em đang học tại các trường đại học như "ngồi trên đống lửa" mỗi khi con bước vào năm học mới.
Chú Lễ (hiện đang làm bảo vệ quán ăn và bán bánh mì dạo) cho biết: “Tôi có hai con đều đang học đại học. Vì vậy, hai vợ chồng tôi phải đi làm nhiều việc, tằn tiện chắt bóp lắm mới đủ tiền lo cho con ăn học. Vợ tôi thì rửa bát cho quán ăn và tạp vụ cho nhà hàng, còn tôi ban ngày làm tự do, đi ship đồ cho khách, và cứ chiều 16-17h tôi làm bảo vệ cho nhà hàng”.
Chú Lễ cho biết hai vợ chồng cô chú quê Thái Bình, thuê phòng trọ đã ngót nghét 2 triệu/tháng, Cứ đến đầu năm học mới là hai vợ chồng chú "mất ăn mất ngủ" lo lắng làm cách nào xoay đủ tiền đóng học cho con.
“Với những bậc phụ huynh gia đình có điều kiện vài triệu đồng không vấn đề gì. Thế nhưng, với gia đình tôi thì nó là một số tiền lớn. Dù vậy, vợ chồng tôi cũng cố gắng bảo ban nhau làm ăn, động viên con học hành, thành đạt là chúng tôi an lòng”, ông Lễ tâm sự thêm.
Vân Anh – Thanh Lam