1. Nhà trường bớt học chữ đi, cho các con cháu có thời gian hoạt động kỹ năng.
Một PHHS hùng hồn phát biểu, yêu nhà trường phải bớt giờ học văn hóa, tăng thêm giờ vận động, dã ngoại, luyện tập thể dục thể thao cho học sinh, để giúp các em phát triển toàn diện, nâng cao kỹ năng sống, đặc biệt là nâng cao thể chất…
Nghe thật là sướng, hẳn nhiên đây là một PHHS rất quan tâm đến việc phát triển toàn diện con của mình - tôi nghĩ thế nên quyết tâm tiếp cận học hỏi ngay và luôn: "Chắc sau giờ học ở trường, anh cho con anh tham gia các hoạt động thể dục thể thao, nghệ thuật, kỹ năng nhiều?
Sau đó tôi nhận được câu trả lời tuyệt vời: "Giờ đâu mà tham gia mấy cái món đó chứ, học ở trường xong, ngày nào nó cũng phải đi học thêm mỗi tối đến 21h mới về. Thứ bảy, chủ nhật con còn tranh thủ học thêm SAT; IELTS… giờ đâu mà tham gia ba cái trò bóng đá, bơi lội, dã ngoại...”.
Và thông tin thêm từ giáo viên chủ nhiệm cho biết, con của phụ huynh ấy chưa hề tham dự bất kỳ một hoạt động ngoài giờ lên lớp nào từ đầu năm đến nay của trường, lý do “bận học không rảnh để tham gia”.
2. Thầy cô không dạy cho con bài nâng cao nên con không có hứng để học.
Trong một cuộc họp khác ở một lớp gọi là luyện “võ”, một chị PHHS đứng lên, đề nghị giáo viên chủ nhiệm trao đổi với giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa cần cho thêm bài tập nâng cao chuyên sâu để tạo hứng thú cho học sinh học tập. Vì bài tập như hiện nay - đơn giản quá - không tạo được sự thách thức, hứng thú cho con của chị ấy học tập. Đặc biệt với lớp học sinh có "võ" thế này thì chuyện nâng cao chuyên sâu là rất cần?
Lần mở bảng điểm chung của cả lớp, dò tìm xem kết quả học tập con của chị ấy thế nào, thì thấy con chị ấy học thật là giỏi, trong cái lớp có võ ấy, kết quả học tập 3 môn Toán, Lý, Hóa đứng nhất lớp (với điều kiện là tính từ dưới lên).
Hỏi thêm thông tin mấy bạn học cùng lớp thì được biết, nếu không có sự trợ giúp của cả lớp thì bạn ấy đã được hạ cánh xuống lớp “không có võ” từ năm học trước rồi. Vì ngay những bài “quyền” cơ bản của môn võ mà lớp đang luyện bạn ấy cũng không theo được.
3. Em là em nhắc nhở cháu nhiều lần lắm chứ nhưng không hiểu sao cháu không nghe lời?
Một học sinh nữ có cách ăn mặc khi đến lớp gây khá nhiều sự "đỏ con mắt bên trái, xốn con mắt bên phải". Giáo viên chủ nhiệm lớp đành phải mời mẹ của em đó lên trao đổi về vấn đề này.
Giây phút ban đầu gặp gỡ giữa giáo viên chủ nhiệm và PHHS đó làm cho cô giáo choáng, không nói lên lời.
Chẳng hiểu sao, đến gặp giáo viên chủ nhiệm mà mẹ học sinh đó mặc một cái quần không thể ngắn hơn nữa, một chiếc áo sơ mi trắng hàng hiệu có thể sử dụng để làm dụng cụ thí nghiệm cho môn vật lý trong bài “vật thể trong suốt”. Và bên trong là chiếc áo ngực chói chang rực rỡ của những tấm vải đấu bò Espana.
Lỡ rồi, giáo viên chủ nhiệm đành ngồi tiếp PHHS và trình bày yêu cầu về vấn đề ăn mặc của học sinh nữ đó.
Nghe xong PHHS cũng rất bức xúc và nói: “Cô giáo biết không, em là em nhắc nhở cháu hoài đó ạ, đi học là phải ăn mặc kín đáo lịch sự chứ ạ, nhắc hoài mà nó không nghe đó”.
Còn nhiều chuyện từ những phòng họp PHHS, chỉ biết sau những lần đi họp như vậy, tôi đành ngậm ngùi hát ca khúc “phụ huynh ơi, quý vị muốn thầy cô phải sống sao?”.
Học sinh ở trường với thầy cô chỉ có 8 tiếng mỗi ngày, còn lại 16 tiếng là ở với bố mẹ. Thế nên trước khi mong mỏi thay đổi một điều gì đó từ nhà trường, có lẽ mỗi PHHS cần suy nghĩ và thay đổi điều đó ở con mình trước thì tốt biết bao phải không?
Thịnh Phạm