Có thể thấy, câu chuyện vị phụ huynh có tài khoản facebook Giáng Hương đăng tải một bức tâm thư rất dài lên mạng xã hội facebook, chia sẻ băn khoăn, thắc mắc của mình về việc một cô giáo làm chủ nhiệm cùng lúc 4 lớp gồm 2 lớp tại trường công (THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình) và giảng dạy, chủ nhiệm thêm 2 lớp tại trường Lương Thế Vinh.
Cùng với đó, vị cựu phụ huynh trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ tiếp lý do chị phải cho con chị chuyển trường, học trường khác là bởi vì cô giáo chủ nhiệm (lớp 10A1.1- nơi con của chị Giáng Hương theo học ) có cách giáo dục hà khắc, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh. Bài viết với tựa đề “Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ...
Trước bài chia sẻ rất dài của vị phụ huynh này, trên các fanpage trong đó fanpage cựu học sinh Lương Thế Vinh, nhiều học sinh cũ của trường đã bày tỏ rất nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều. PV báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã liên hệ với một số cựu học sinh để nghe tâm tư, chia sẻ của họ về bài viết đang gây ra tranh luận mấy ngày nay.
Là một cựu học sinh của trường Lương Thế Vinh từ năm 1998, chị Thanh Hương cho biết: “Ngày xưa, thời chúng tôi học thoải mái lắm, không có nhiều áp lực như học sinh thời bây giờ. Tuy nhiên, tôi tin rằng không phải mỗi riêng Lương Thế Vinh học sinh mới áp lực bài vở, học tập mà bất cứ trường nào cũng có, chỉ là áp lực đó ít hay nhiều mà thôi. Sau 19 năm không còn là học sinh của trường nữa tôi nghĩ rằng cách học cũng sẽ phải khác, thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Tất nhiên, cả thời xưa tôi học, thi thoảng cũng có giáo viên chưa ổn nhưng không thể đánh đồng tất cả được”.
Còn đối với anh Thanh Tùng (cựu học sinh THPT Lương Thế Vinh ra trường đã được 7 năm nay), khi chia sẻ với PV, anh vẫn luôn ánh lên niềm tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo đồng phục của trường THPT Lương Thế Vinh.
Theo lời chia sẻ của anh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh là một ngôi trường nổi tiếng tại Hà Nội, được sáng lập bởi một người thầy tâm huyết trong ngành giáo dục là thầy Văn Như Cương. Thế nhưng, từ sau khi cô Văn Thùy Dương quản lý thì ngôi trường này lại có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
“Tôi đồng ý là hầu hết các phụ huynh ép con học và muốn con thành “thần đồng”, một số phụ huynh khác thì lại muốn có một môi trường học tập tốt nhất, nhưng cũng lại muốn con mình có tuổi thơ vô tư, hồn nhiên theo đúng nghĩa. Thế nhưng, cá nhân tôi đã trải qua quãng thời gian được học tập tại ngôi trường này thì tôi nghĩ việc làm sao dung hòa được không chỉ xuất phát từ thầy cô mà còn từ phụ huynh nữa. Vì phụ huynh quá kỳ vọng vào con, khiến thầy cô, nhà trường cũng áp lực theo và gồng mình để buộc các con phải học, phải giỏi. Mỗi người một ý kiến, nhưng tôi nghĩ rằng có rèn luyện nghiêm khắc thì con người mới thực sự trưởng thành được”, anh Tùng nói thêm.
Cũng chia sẻ riêng với PV, anh Sơn Tùng (cựu học sinh THPT Lương Thế Vinh) không đồng ý với những phần chia sẻ của vị cựu phụ huynh nói trên.
Theo anh Sơn Tùng: “Là một cựu học sinh của trường, tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của cô phụ huynh trên. Tôi biết, mẹ nào cũng thương con, nhưng các bậc phụ huynh nên hiểu một điều rằng ở đâu thì có luật ở đó. Khi đọc tâm thư của vị phụ huynh này, tôi thấy cô ấy đang dùng ý kiến cá nhân của mình nhiều hơn để nói về chuyện này”.
Bên cạnh đó, anh Sơn Tùng cũng chia sẻ thêm về những hình phạt mà vị phụ huynh viết trên mạng xã hội: “Thời tôi đi học, ai làm sai cũng có phạt nhưng không phạt nặng như phụ huynh kia nêu, các thầy cô thương học sinh lắm. Còn nhớ, năm học lớp 11 tôi có thái độ ứng xử không tốt với cô giáo dạy Lịch Sử, tôi bị gọi lên văn phòng viết bản kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật là bị đình chỉ học. Khi quay lại lớp học, điều tôi bất ngờ đó là các cô không hề trù dập tôi, mà thậm chí còn luôn tạo điều kiện để tôi gỡ điểm. Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi”.
Thông qua câu chuyện, kỷ niệm của mình về một thời là học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh, anh Sơn Tùng thẳng thắn cho rằng: “Tôi thấy phụ huynh bây giờ họ quên mất con họ đi học chứ không phải đi chơi. Vì thế, tôi mong mọi người có cái nhìn thấu đáo hơn về trường”.