Tại hội thảo “Tham vấn hoàn thiện quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp và xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM” được sở LĐTB&XH TP.HCM tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng phụ huynh đang vô tình bao che cho thủ phạm hại đời con mình.
Thời gian qua, tại TP.HCM, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại trẻ em diễn ra nhưng thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này gây bức xúc trong dư luận, khiến nhiều chuyên gia không khỏi trăn trở.
Ông Võ Phi Châu, chuyên viên phòng LĐ-TB&XH quận 4, TP.HCM cho biết, theo thống kê, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tại địa bàn quận 4, TP.HCM xảy ra 24 vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại, xâm hại tình dục. Điều đáng nói, con số vụ án được khởi tố và đưa ra xét xử trong số đó chỉ là 1 vụ.
Theo ông Châu, số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em diễn ra nhưng chỉ có 1 vụ án bị khởi tố, đưa ra xét xử vì các nạn nhân thường tìm cách trốn tránh cơ quan chức năng. Thông thường, dư luận vẫn nghĩ, các nạn nhân trong vụ án này phải bức xúc, muốn đưa kẻ xấu ra ánh sáng. Tuy nhiên, trong tư tưởng của không ít nạn nhân bị xâm hại lẫn phụ huynh đều còn ngại công khai sự việc.
Gia đình nạn nhân cũng sợ con em mình bị sang chấn tâm lý, chủ động chuyển chỗ ở, cho trẻ nghỉ học, rời khỏi địa phương… Vì không còn đầu mối thông tin làm việc nên cơ quan chức năng địa phương phải bỏ cuộc. Điều này khiến các vụ án liên quan xâm hại trẻ em không thể làm sáng tỏ đến cùng.
Điều khiến ông Châu trăn trở là hiện nay, nhiều vụ việc xâm hại, xâm hại trẻ em rất tinh vi, thủ phạm có nhiều thủ đoạn xâm hại mới. Điều đó buộc cơ quan chức năng cần nắm bắt kịp thời để bảo vệ trẻ. Muốn vậy, cần phải cập nhật những vụ việc này lên mạng để kịp thời xử lý.
Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đoàn thể, xã hội. Nhà trường tăng cường biện pháp giáo dục cho trẻ về những kiến thức liên quan đến biện pháp phòng ngừa xâm hại, xâm hại tình dục…
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM thẳng thắn thừa nhận: “Năm 2017, TP.HCM đã chỉ thị tăng cường phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em nhưng mới chỉ dừng lại ở mức chỉ đạo, tổ chức tập huấn, công bố số điện thoại, hoạt động tư vấn mang tính bề nổi. Thực tế, trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra chuyện trẻ em bị xâm hại, xâm hại tình dục nhưng nhiều vụ vẫn “án binh bất động””.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng đội Trọng án, Công an TP.HCM chia sẻ, thực tế, sau khi nhận được hồ sơ vụ việc liên quan xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em từ các địa phương, Công an TP.HCM nhanh chóng vào cuộc điều tra để làm sao khởi tố vụ án sớm.
Tuy nhiên, khi vào cuộc điều tra, nhiều yếu tố liên quan vụ án như kết quả giám định màng trinh từ nạn nhân, hay những chứng cứ liên quan vụ việc bị người nhà nạn nhân vô tình tiêu hủy sớm… Chưa kể, thủ phạm có những chiêu đối phó tinh vi. Từ đó, vụ án không thể tiếp tục.
Vị Đội trưởng đội Trọng án mong rằng, các cán bộ công tác liên quan nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cấp phường, cấp xã, khi tiếp xúc với những vụ việc xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em cần tư vấn kịp thời cho gia đình nạn nhân cách bảo vệ chứng cứ tốt hơn. Chẳng hạn, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, yêu cầu gia đình nạn nhân trình báo công an địa phương, bảo vệ chứng cứ vụ việc như cho quần, áo của nạn nhân vào túi riêng để nộp cho công an, không tắm rửa cho nạn nhân ngay lúc đó…