Từ đệ nhất phu nhân
Trần Lệ Xuân sinh năm 1924 tại Huế (cũng có tài liệu ghi là Hà Nội) trong một gia đình rất có máu mặt. Xét về phả hệ, trong huyết mạch Trần Lệ Xuân có cả dòng máu của vua Đồng Khánh. Cha Trần Lệ Xuân là ông Trần Văn Chương, một vị luật sư thời đó.
Trần Lệ Xuân lớn lên ở Hà Nội, từng theo học Trường Albert Sarraut và đã tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm 1943, Trần Lệ Xuân kết hôn với người con trai thứ sáu của dòng họ Ngô Đình là Ngô Đình Nhu và bỏ đạo Phật theo đạo Thiên chúa của gia đình chồng.
Trong dòng họ Ngô Đình, Trần Lệ Xuân là một người con dâu đặc biệt, không giống ai. Khi cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa tồn tại ở miền Nam, Trần Lệ Xuân chỉ là vợ của người em trai kiêm cố vấn đặc biệt Ngô Đình Nhu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã ngự trị như một đệ nhất phu nhân và có nhiều hành động tự tung tự tác trong xã hội, trắng trợn đến mức đã gây nên rất nhiều điều tiếng không hay trong dư luận.
Tuy nhiên, bà Trần Lệ Xuân có nhiều hoạt động trên chính trường trong thời gian nói trên, làm chủ tịch một tổ chức phụ nữ; thúc đẩy việc thông qua các luật liên quan đến những vấn đề như nạo thai, ngoại tình, thi hoa hậu, đấm bốc... Bà cũng được cho là ủng hộ các luật nhằm đóng cửa các nhà chứa và ổ thuốc phiện.
Bà Trần Lệ Xuân (Nguồn: tamhien.com)
Đến đành hanh, lộng quyền
Năm 1955, khi Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn lên làm tổng thống của cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu được cử làm cố vấn đặc biệt. Trần Lệ Xuân cũng nghiễm nhiên có được một vị trí nổi bật trong chính trường Sài Gòn khi đó.
Trần Lệ Xuân được bầu vào quốc hội Sài Gòn, (tức là làm dân biểu), được giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới, thậm chí còn được gọi là đệ nhất phu nhân vì Ngô Đình Diệm không lập gia đình. Bản thân Ngô Đình Diệm cũng tương đối vì nể cô em dâu sắc sảo, bạo nói, bạo làm.
Ngồi ở cương vị cao và luôn bị thiên hạ trông vào như thế nhưng Trần Lệ Xuân vẫn giữ nguyên cách hành xử đành hanh, lộ liễu và rất nhiều khi khinh suất. Nhiều người cho rằng chính Trần Lệ Xuân và cả giám mục Ngô Đình Thục nữa đã "đổ thêm dầu vào lửa" khiến cho chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm sớm bị xóa sổ ở miền Nam.
Ngày 1/11/1963, khi Trần Lệ Xuân và con gái đang ở khách sạn Wilshire Hotel tại khu thượng lưu Beverly Hill (California) thì ở Sài Gòn, đã xảy ra đảo chính và Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu rồi cả Ngô Đình Cẩn đều bị giết. Tới ngày 15/11/1963, hai mẹ con Trần Lệ Xuân và Lệ Thủy phải lật đật rời khỏi Los Angeles sau khi tức tối tuyên bố: "Tôi không thể cư ngụ ở Mỹ, vì lý do đơn giản chính phủ của họ đã đâm sau lưng tôi".
Cuối đời buồn tủi
Những ngày ở Rome, chính giám mục Ngô Đình Thục đã chu cấp cho mẹ con Trần Lệ Xuân mọi kinh phí sinh sống. Không những thế, ông Ngô Đình Thục còn tài trợ cho ba người con của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân ăn học đến nơi đến chốn.
Ngày 13/12/1984, Ngô Đình Thục vĩnh biệt cõi trần trong một viện dưỡng lão vì khủng hoảng tinh thần, đó là một tổn thất nặng về tình cảm đối với Trần Lệ Xuân.
Không lâu sau, Trần Lệ Xuân rời Italia sang Paris cư trú. Tại Paris, Trần Lệ Xuân sống mai danh ẩn tích đến nỗi nhiều người Việt cư trú lâu năm ở đây và có những mối quan hệ rộng rãi vẫn tưởng bà ta đang ở tít tận bên Italia…
Theo một số tờ báo của người Việt ở nước ngoài, bà Xuân đang viết hồi ký, có thể xuất bản vào tháng 9 hoặc 10 năm nay.
Một số hình ảnh thời trẻ của Trần Lệ Xuân:
Trần Lệ Xuân đánh đàn bên các con. Ảnh: Life
Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy trên bìa tạp chí Life
Những năm tháng cuối đời Trần Lệ Xuân sống kín tiếng tại Pháp. Ảnh: Life
Trần Lệ Xuân trên bìa tạp chí Time
Trần Lệ Xuân trong một cuộc trả lời phỏng vấn
Trần Lệ Xuân xuất hiện trước công chúng. Ảnh: Life
Trần Lệ Xuân là người tạo ra và cổ súy cho kiểu áo dài cổ rộng. Ảnh: Life
Trần Lệ Xuân cho dựng tượng Hai Bà Trưng. Ảnh: Life
Trần Lệ Xuân trước báo giới. Ảnh: Life
Trần Lệ Xuân đứng đầu một số tổ chức thanh nữ và phụ nữ. Ảnh: Life
Lan Ngọc (tổng hợp)