> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Hiếm có diễn viên nào lại thành danh trên cương vị đạo diễn như Đào Bá Sơn. Ông không chỉ là gương mặt gạo cội trên màn ảnh mà còn được biết đến như một người giữ nhiều thước phim đẹp của điện ảnh Việt, với những tuyệt phẩm như Long thành cầm giả ca, Cầu thang tối, Người tìm vàng, Biệt ly trắng, Đám mây không dừng lại. Nhưng ít ai biết, bên cạnh những tiền tài, danh vọng ấy, còn là một Đào Bá Sơn đầy suy tư với những khoảng lặng cuộc đời.
Những mảnh ghép ký ức dang dở với Hà Nội
Tôi có dịp may mắn được gặp ông trong những ngày ngành điện ảnh Việt Nam kỉ niệm 60 năm ra đời. Đào Bá Sơn là một trong những nghệ sĩ miền Nam ra tham gia sự kiện trọng đại này. Nhưng Hà Nội chẳng phải là nơi xa xôi, lạ lẫm với ông. Bởi đây là nơi Đào Bá Sơn đã sinh ra, lớn lên, cũng là nơi đã chứng kiến một phần cuộc đời nhiều thăng trầm, thay đổi của ông.
Đào Bá Sơn sinh năm 1952, trong một gia đình không có truyền thống về nghệ thuật. Bố mẹ ông vốn chỉ là những công chức bình thường. Vì là con út, lại là cậu con trai duy nhất trong nhà nên ngay từ lúc còn nhỏ, Đào Bá Sơn đã được bố mẹ và các chị gái rất mực cưng chiều. Lớn lên một chút, tài năng diễn xuất và niềm đam mê nghệ thuật đã được ông sớm bộc lộ. Vì thế, bố mẹ và mọi người trong nhà đều đồng ý cho ông thi vào trường Điện ảnh Việt Nam.
Ông là một trong những học viên khoá 2, cùng thời với những tên tuổi quen thuộc trong làng điện ảnh Việt như Minh Châu, Thanh Quý, Bùi Bài Bình, Bùi Cường, Diệu Thuần. So với bạn bè cùng trang lứa, ông nổi tiếng chậm hơn, thậm chí mờ nhạt với những vai diễn Tây mũi lõ gần như đã được đóng đinh và mặc định. Nhiều người nói, gương mặt lai tây, đẹp một cách mực thước đến mức không thể hoá thân vào những vai diễn có số phận vất vả, đau khổ vô tình đã trở thành một bi kịch đối với Đào Bá Sơn. Những năm chập chững bén nghề, chứng kiến sự thành danh rất sớm của bạn bè, anh lờ mờ nhận ra và bắt đầu tin bi kịch ấy là có thật. Phải đến năm 1982, khi chính thức về Hãng phim Giải phóng với vị trí phó đạo diễn, Đào Bá Sơn mới thực sự có niềm tin hơn với nghề. Sáu năm bên cạnh đạo diễn Hồng Sến là khoảng thời gian đúc kết kinh nghiệm làm phim của ông. Không lâu sau đó, ông đã chọn Sài Gòn là nơi làm việc, sinh sống.
"Tôi dường như buộc phải rời xa Hà Nội, bị đẩy đi trong cái thế thụ động mà không biết làm cách nào để thay đổi. 30 tuổi, khát vọng sống dù mạnh mẽ, quyết liệt đến đâu vẫn không thắng nổi những ám ảnh về trách nhiệm. Ngày đó, cả nhà tôi gần như mọi người đã chuyển hết vào Sài Gòn sinh sống. Chỉ có một mình tôi đơn phương ở Hà Nội, mong muốn bám trụ thêm được ngày nào hay ngày đó. Cái sự dùng dằng ấy được lí giải bởi duy nhất một điều, tôi quá yêu Hà Nội và thực sự không muốn xa nó. Nhưng có lẽ đó là số phận. Mà đã là số phận thì khó ai có thể cưỡng lại được. 31 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân xuống đất Sài Thành. Một chân trời mới mở ra nhưng trong tôi lúc đó chỉ là những khoảng trống.
Dường như những ký ức dang dở về Hà Nội luôn khiến Đào Bá Sơn đau đáu như mắc lỗi một điều gì đó. Bởi thế, hễ có dịp ra Hà Nội, ông thường lấy cớ để lưu lại lâu hơn, ngồi nhâm nhi vài ba cốc bia với một vài người bạn thân chí cốt. Ông nói: "Bạn bè vài năm, có khi lâu hơn, mới gặp nhau một lần, nhưng câu chuyện không vì thế mà bị ngắt quãng và gượng gạo. Bao giờ cũng thế, tôi luôn tìm thấy sự thoải mái bên những người bạn tuổi thơ dù chẳng có ai cùng nghề với mình cả.
Sự thân thiện ấy có lẽ được đến từ lối sống giản dị của ông. Một Đào Bá Sơn đạo diễn với đủ mọi giải thưởng điện ảnh danh giá nhất không hề mâu thuẫn với một Đào Bá Sơn rất đỗi đời thường ấy. Ông có thể đi xe ôm để đến cuộc hẹn với người viết, lê la ở một góc quán vỉa hè để uống bia hơi với bạn bè quen thuộc. Rồi một mình lang thang trên con phố nào đó mà ông vẫn hằng yêu thích của Hà Nội.
Hình như, sự trở về nào với Hà Nội cũng làm ông bận rộn. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi ít nhiều bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của bạn bè ông. Đào Bá Sơn cười dí dỏm: "Chánh Tín (nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín - PV) và Hoàng Nhuận Cầm (nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm PV) đang đợi tôi ở quán nhậu. Ngày nào cũng bia bọt với bạn bè mà vẫn không thấy chán.
Gương mặt với vẻ đẹp mực thước của đạo diễn Đào Bá Sơn từng đóng đinh ông trong nhiều vai diễn.
Phụ nữ là nguồn cảm hứng bất tận
Cái vẻ bề ngoài phong lưu, hào hoa của Đào Bá Sơn làm cho ông không giống một người đàn ông đã ở cái tuổi 60. Dí dỏm và lạc quan, ông ví sự độc thân của mình là hạnh phúc tự do mà không phải ai cũng có được. Dường như những đổ vỡ trong hôn nhân, trong cuộc đời nhiều mất mát, khổ đau càng làm ông trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.
Không quá khó hiểu khi Đào Bá Sơn từng là tâm điểm của những điều tiếng, ồn ào trong nghiệp diễn. Ông từng bị gán ghép với rất nhiều các giai nhân của điện ảnh Việt. Nhưng ít ai biết, người đàn ông đào hoa ấy đã từng có một đời sống hạnh phúc.
Những đổ vỡ ập đến sau này âu đó cũng là điều khó tránh đối với một nghệ sĩ thích rong ruổi hơn là ở nhà như ông. Thời mới bắt đầu học đạo diễn, tôi đi làm phim quanh năm ngày tháng. Ngủ với đạo diễn Hồng Sến nhiều hơn ngủ với vợ, tiền bạc mang về không nhiều. Gánh nặng, trách nhiệm và cảm giác không làm trong sứ mệnh của người chồng cứ đè nặng khiến cuộc sống vợ chồng mỗi ngày thêm nặng nề. Những rạn nứt vì thế đã không thể tránh khỏi. Sau sự đổ vỡ đó, tôi tự khoanh vùng cho mình chỉ giới hạn trong phạm vi yêu mà thôi. Rồi mình cứ bươn bả theo những bộ phim, vai diễn. Đến lúc nhìn lại đã thấy mình già. Trái tim cũng đã quá mệt mỏi để có thể thổn thức hay đau đáu với tình yêu.
Đào Bá Sơn nói vậy. Đôi mắt buồn của ông trở nên nặng trĩu ưu tư. Ông nhắc đến cuộc đời vất vả và đau khổ của mẹ mình, cái chết day dứt của cô con gái. Những nỗi đau ấy như gói ghém lại, chất chứa trong lòng ông. Để rồi từ đó làm nên những thước phim đầy rung động về số phận người phụ nữ.
Tôi hỏi ông, vì sao luôn đặt phụ nữ vào những hoàn cảnh bi đát nhất của đời sống. Đào Bá Sơn lí giải: "Vì vốn dĩ cuộc đời luôn khắc nghiệt như thế. Người phụ nữ sinh ra vốn đã mang số phận. Càng xinh đẹp, đa đoan thì càng có số phận đặc biệt. Làm phim, tôi chỉ muốn khắc hoạ chân thật nhất bản chất của cuộc sống. Trong đau đớn, khốc liệt, người ta mới thấy được nghị lực, khát vọng sống và cả tình yêu đẹp đẽ nhất của con người. Cả định mệnh nữa. Giống như cô Cầm trong Long thành cầm giả ca cũng chỉ là một trong muôn người giữa dòng chảy loạn lạc của thời cuộc. Nhưng giọng hát ấy, tiếng đàn ấy vẹn nguyên vẻ đẹp của một con người, một tâm hồn tài hoa. Vẻ đẹp ấy là vĩnh cửu.
Có lẽ những va vấp và trải nghiệm trong cuộc đời đã tạo nên cái nhìn duy tâm sâu sắc ở vị đạo diễn tài ba này. Ông quan niệm: "Ở độ tuổi của tôi, hình như đau khổ cũng là một phần của hạnh phúc mất rồi. Cho nên chưa bao giờ tôi có ý nghĩ để ngồi cân đong, đo đếm buồn vui, được mất. Trong cuộc đời, hãy để mọi thứ được đến tự nhiên. Bởi mọi sự hiện diện của chúng đều mang đến một ý nghĩa nào đó. Người đàn bà nào chẳng mong muốn mình có một cuộc sống phẳng lặng nhưng đến cả như cô Cầm ấy. Suốt một đời tâm niệm với lời mẹ dạy là chỉ khóc một con mắt thôi, còn một con để nhìn đường mà đi. Nhưng con đường ấy cũng đâu có tránh nổi số phận khổ đau. Cũng giống như nhan sắc ấy không thoát khỏi những đa đoan của định mệnh. Cho nên, cuộc đời vẫn là một dòng chảy bất tận, để từ đó nghệ thuật luôn được sinh ra, thăng hoa và toả hương trên dòng chảy ấy. Mọi buồn vui hay được - mất, mọi hạnh phúc khổ đau, đấy là những quy luật bất biến mà chúng ta không thể đổi thay".
Đào Bá Sơn vân vê điếu thuốc và nói với tôi, hay chính là nói với ông? Một con người hào hoa lại thích sự tận cùng của lặng lẽ. Bởi ở đó, ông luôn được trải lòng thành thật với những ưu tư, day dứt. Bởi ở đó, dù cuộc sống vẫn còn bộn bề, dan díu nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn có được những khoảnh khắc ru lòng mình trong những thanh thản, bình yên.
> Cuộc đời nghèo khó của cố nghệ sĩ Văn Hiệp
Đào Bích