Ngày xưa mẹ bảo, khi mẹ sinh tôi, từ cả tuần trước đó cho tới lúc mẹ vào viện, ba vẫn luôn túc trực cạnh giường mẹ không rời nửa bước. Mẹ đi thì ba đỡ, mẹ nằm thì ba xem chừng, mẹ thức ba chẳng dám ngủ.
Sau khi tôi chào đời, ba một tay lo cho mẹ từ bữa cơm, giấc ngủ, giặt giũ từng cái quần, cái áo của phụ nữ sau kì thai sản. Ba tới lui bệnh viện gần như thường xuyên, ba không để mẹ phải nằm yên trong đấy một mình.
Ba nói chẳng có gì phải ngại, mẹ là vợ của ba, sinh con ra đã chịu nhiều tổn đau và vất vả lắm rồi.
Ngày nay chị gái kể tôi nghe, đã từng có khoảng thời gian sau khi sinh đứa con đầu tiên, chị bị rơi vào tình trạng mệt mỏi và lo lắng cực độ.
Đó là những tháng ngày đau khổ nhất trong cuộc đời làm mẹ của chị. Có lúc chị cảm thấy thương con mình vô cùng, đến độ chẳng muốn mẹ chồng hay chồng chị đụng vào đứa bé. Nhưng có khi, chị chỉ cảm thấy căm hận hòn máu đỏ hỏn ấy cực cùng. Bản năng làm mẹ và suy nghĩ tiêu cực cứ tranh giành cấu xé tâm tưởng chị.
Nhiều hôm nửa đêm, chị nghe như có ai đó đang nói bên tai chị, là hãy ẵm đứa bé đem bỏ ngoài đường đi. Con chị càng khóc, một mình chị bế bồng chăm sóc con thì sự thôi thúc đó lại càng mãnh liệt. Nhưng đức tin của người mẹ nằm sâu trong chị, lại không để chị tự ý làm hại con mình.
Chị bảo những ngày đấy, đầu chị nhức đến độ vỡ tung ra, cơm không muốn ăn, nhìn con đói chị nhói lòng, nhưng sữa của chị không đủ cho con ăn. Chồng chị mỗi lần nhìn vợ với ánh mắt trách móc như kiểu “đàn bà gì mà mỗi việc tạo sữa cho con bú cũng không làm được” khiến chị lại càng cảm thấy tự ti và mặc cảm. Chồng chị càng hỏi han, chị lại càng muốn phá tan không gian ngập đầy nắng khóc - cười của con nít.
Sau hai tháng đấu tranh và chịu đựng tất cả một mình, chị cũng tự vượt được qua, và cũng may mắn rằng chị chưa làm gì tổn hại đến hòn máu của mình.
Chứng trầm cảm sau sinh có thể khiến người mẹ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đau khổ, hoảng sợ, thậm chí là tự làm tổn thương bản thân mình hoặc đứa bé bất cứ lúc nào. Đàn ông lần đầu tiên ẵm con, họ cảm thấy vỡ òa và hạnh phúc. Nhưng đó cũng có thể là lúc, người phụ nữ đang sống trong chính guồng cảm xúc hỗn loạn của mình.
Phụ nữ, dù là đẻ mổ hay sinh tự nhiên, thì lúc nào cũng phải chịu trên người những vết sẹo chất chồng như thế.
Phụ nữ, 9 tháng trời mang nặng đẻ đau, sinh cho chồng mình đứa con, lại còn phải gồng gánh những héo mòn lên thân tâm son trẻ. Mỗi một lần sinh nở là sức khỏe hao tổn, quả tim chẳng còn đủ đầy sức sống như ngày xưa nữa, vẻ ngoài lại thêm phần nhợt nhạt hơn.
Đàn ông đừng nghĩ chỉ cần ẵm bồng đứa nhỏ trên tay là xong việc, mà phải biết tiếc thương cho những lần vợ mình đau đớn, phải biết chăm bẵm cho những hôm người phụ nữ cạnh bên mềm yếu trong lòng.
Đàn ông đừng nghĩ nhiệm vụ của phụ nữ chỉ là sinh con đẻ cái cho gia đình, rồi còn lại mọi chuyện cứ để họ tự cân gánh lấy. Làm chồng như vậy là thất bại. Tư duy như vậy là ngu dại lắm rồi!
Đơn giản thế này thôi, trước khi cưới hay sau khi kết hôn, trước khi có thai hay sau kì sinh nở, đừng bao giờ bỏ rơi phụ nữ một mình, cũng đừng mặc kệ cô ấy cô độc với những lặng thinh.
Phụ nữ có thể trở nên tự ti với thân hình đổi khác của mình sau khi sinh, cũng có thể trầm lặng và tâm trí nặng nề vì bao nhiêu mặc cảm.
Đừng nghĩ khi phụ nữ sinh con rồi, thì đó là nghĩa vụ và bổn phận của người vợ bắt buộc là như thế. Nên hiểu một lần phụ nữ “vượt cạn” là một lần cô ấy trải qua cơn tái sinh, chết đi sống lại lần nữa. Những thua thiệt và đau đớn đó, ai cùng cô ấy san sẻ cho vừa?
Đừng chỉ có khả năng làm nên tạo vật, mà lại bất lực trước những lần chăm lo và gìn giữ. Phụ nữ sinh ra không phải là công cụ để bọn đàn ông duy trì nòi giống. Nếu không cho vợ mình được những yêu chiều và tử tế, thì ngày xưa đừng mạnh mồm hẹn hứa hay thề nguyền.
Đàn ông có tâm, sẽ không để người phụ nữ mình yêu phải chịu nhiều buồn tủi.
Đàn ông thật lòng, tự biết sẻ chia an ủi cho những điều phụ nữ chưa từng nói ra.
Phụ nữ chẳng cần nhà cao cửa rộng, vinh hoa phú quý, chỉ cần một người chồng đủ tinh tế để biết đưa tay nâng đỡ họ an yên đi hết quãng đường trần.
Huỳnh Khải Vệ